Khi nào bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử?

(VOH) - Các đơn vị buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022, có giá trị về mặt pháp lý như hóa đơn giấy, được Bộ Tài Chính và Tổng cục thuế chấp nhận và đáp ứng đầy đủ Luật Giao dịch điện tử.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Mới đây, ngày 17/9/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

hóa đơn điện tửẢnh minh họa

 

Ngoài một số nội dung về hóa đơn điện tử (HĐĐT) như ủy nhiệm lập; mẫu hiển thị các loại; ký hiệu mẫu số hóa đơn; chuyển đổi áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế… Thông tư cũng quy định HĐĐT có mã của cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hoá đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.

Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022, tuy nhiên Bộ Tài chính khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.

HĐĐT cũng được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1/7/2022. Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan Thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập để sử dụng HĐĐT và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan Thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT.

Thời gian 12 tháng tính từ ngày 1/7/2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 1/7/2022; hoặc kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hoá đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập sau ngày 1/7/2022.

Từ ngày 1/7/2022, các thông tư, quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hóa đơn được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực thi hành.

-Hoá đơn điện tử là tập hợp những thông tin dữ liệu về kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hóa đơn điện tử phải đảm bảo hai nguyên tắc: xác định được số hóa đơn theo nguyên tắc liên tục và theo trình tự thời gian, mỗi số hóa đơn đảm bảo chỉ được lập và sử dụng một lần duy nhất. Hóa đơn điện tử không phải có tên liên hóa đơn.

-Người bán hàng hóa được chuyển đổi Hóa đơn điện tử sang Hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần.

-Khách hàng sau khi mua hàng sẽ được bên bán gửi cho hóa đơn điện tử dưới dạng file .xml. Khách hàng không cần phải lưu trữ hóa đơn mà có thể tra cứu trên trang web tra cứu hóa đơn mà bên bán cung cấp. Nếu cẩn thận khách hàng có thể tải file hóa đơn được nén dưới dạng .zip về để lưu trữ. Trường hợp khách hàng vẫn cần hóa đơn bản giấy để bộ phận kế toán lưu trữ theo Luật Kế toán thì bên bán sẽ in một bản hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử, ký đóng dấu và gửi cho khách hàng.

Người mua, người bán được chuyển đổi Hóa đơn điện tử sang Hóa đơn giấy để phục vụ lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật kế toán.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Hàng Hóa Thiết Yếu Là Những Hàng Hóa Nào?

>>>> Doanh Nghiệp Không Hưởng Tết Hoặc Thưởng Bằng Hàng Hóa Doanh Nghiệp Sản Xuất Có Vi Phạm Không?

>>>> Tính Lương Cho Các Ngày Làm Thêm, Ngày Nghỉ Như Thế Nào?

>>>> Muốn Mở Cửa Hàng Bán Lẻ Sản Phẩm Của Doanh Nghiệp Cần Thủ Tục Gì?

>>>> Từ Tháng 10, "Hàng Xách Tay" Nhập Lậu Có Thể Bị Xử Phạt Đến 100 Triệu Đồng

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo