Từ tháng 10, "hàng xách tay" nhập lậu có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng

(VOH) - Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm... có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020.

Theo nghị định này, tổ chức, cá nhân đem hàng hóa dạng “xách tay” về nước khi được xem là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt như sau:

- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020. 

- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020.

Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức) nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định:

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, tịch thu phương tiện vận tải vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, cá nhân có hành vi bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan,... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu, thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Riêng đối với vi phạm về kinh doanh thuốc lá, Điều 18 nghị định qui định hành vi vi phạm về nhập khẩu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Thuốc lá không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký’; Nhập khẩu giấy cuốn điếu thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép nhập khẩu theo quy định; Nhập khẩu số lượng giấy cuốn điếu thuốc lá vượt quá chỉ tiêu nhập khẩu hằng năm đã được công bố; Nhập khẩu thuốc lá với mục đích thương mại không đúng với nhãn hiệu đã đăng ký hoặc bảo hộ tại Việt Nam.

Về hành vi bán thuốc lá Điều 23 qui định mức xử phạt các hành vi vi phạm về bán sản phẩm thuốc lá.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán theo quy định.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

b) Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.

- Phạt tiền từ 2.000 000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trưng bày thuốc lá tại điểm bán hàng.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP qui định:

“Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Phạt Đến 30 Triệu Đồng Khi Gọi Điện Quảng Cáo Trước 8g Sáng, Sau 17g Chiều

>>>> Làm Người Đại Diện Pháp Luật Cho Doanh Nghiệp Cần Điều Kiện Gì? 

>>>> Thành Lập Công Ty - Trung Tâm Dạy Học: Điều Kiện Như Thế Nào?

>>>> Mở Trường Tiểu Học Tư Thục Cần Điều Kiện Gì?

>>>> Công Ty Chuyển Sở Hữu, Nhân Viên Được Bồi Thường Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động Ra Sao?

 

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo mới