Làm người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp cần điều kiện gì ?

(VOH) - Một độc giả có công ty riêng hỏi, người đại diện pháp luật cho một công ty, doanh nghiệp tư nhân thì cần điều kiện gì ?

Tôi có công ty riêng do tôi làm chủ, xin cho tôi hỏi người đại diện pháp luật cho một công ty là gì? Cần điều kiện gì để làm người đại diện pháp luật cho một công ty, có bắt buộc là luật sư, luật gia ? Có nhất thiết phải là người lao động có hợp đồng lao động thường xuyên trong công ty và người đại diện pháp luật có quyền lợi nghĩa vụ gì với công ty?

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn,

Khái niệm người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

“Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Điều kiện để một cá nhân trở thành người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp là cá nhân đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và không thuộc vào những trường hợp bị cấm làm người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014.

Theo đó người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện trên và không bắt buộc là luật sư, luật gia hay người lao động. Người đại diện theo pháp luật có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 Điều 13 ngoài  ra quyền của người đại diện theo pháp luật còn quy định cụ thể tại Điều lệ của công ty quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp 2014.

Cảm ơn luật sư.

 Khoản 2, Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014:

Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1….

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

3…..

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Thành Lập Công Ty - Trung Tâm Dạy Học: Điều Kiện Như Thế Nào?

>>>> Mở Trường Tiểu Học Tư Thục Cần Điều Kiện Gì?

>>>> Thành Lập Công Ty TNHH Đăng Ký Ở Đâu?

>>>> Công Ty Chuyển Sở Hữu, Nhân Viên Được Bồi Thường Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động Ra Sao?

Bảo Trung ( tuvanonline.voh@gmail.com )

Bình luận

Đọc Báo