Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nên hiện nay nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa phương phải thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Chỉ thị 16 nêu rõ nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết để:
- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Thực phẩm tươi sống, gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả là hàng thiết yếu. Ảnh minh họa
Như vậy câu hỏi đặt ra là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những mặt hàng nào?
- Theo Điều 4 Luật giá 2012 có quy định:
“ 1.Hàng hóa là tài sản có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của con người, bao gồm các loại động sản và bất động sản.
[…] 3.Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.
Theo qui định này thì hàng hóa dịch vụ thiết yếu là hàng hóa không thể thiếu cho sản xuất, đời sống…
Một thí dụ: mặt hàng phân bón là hàng hóa thiết yếu (không thể thiếu) đối với một người nông dân đang ở miền Tây cần phân bón để bón ruộng trồng lúa. Ở một địa phương như TPHCM, nói rằng cần ra đường để mua phân bón chăm sóc cây trồng trên sân thượng thì khó cho là đi mua hàng hóa thiết yếu!
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về Danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu theo Chỉ thị 16 ngoài công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16 có nêu ra một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.
Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương dựa theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất… Có thể thấy hàng hóa thiết yếu theo công văn 2601/2020 bao gồm một số hàng hóa sau:
– Thực phẩm tươi sống, gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng)…
– Hàng công nghệ phẩm: bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật. Sữa các loại, mì gói. Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng…
– Lương thực: gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột)…
– Các nhu yếu phẩm cần thiết khác, như thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh, sản phẩm dùng rửa tay, tắm giặt, gội… Nguyên, nhiên vật liệu như xăng, dầu, gas, khí đốt…
Ngày 21/7/2021 Bộ Công thương đã ban hành văn bản 4349/BCT-TTTN về hàng hóa thiết yếu đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tập quán tiêu dùng tại địa phương để đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nếu cần thiết) cho phù hợp.
Có thể thấy việc quy định hàng hóa thiết yếu hiện còn rất chung chung và theo quy định trên thì danh mục các mặt hàng thiết yếu cực kỳ đa dạng.
Như vậy, danh mục hàng hóa thiết yếu này có thể linh hoạt tuỳ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương. Hiện nay, một số địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Phú Yên, Bạc Liêu, Cần Thơ… cũng đã ban hành hướng dẫn mặt hàng thiết yếu trong vận chuyển trên đường.
Như vậy, tùy theo nhu cầu mỗi ngành nghề, mỗi giai đoạn, từng địa phương sẽ có danh mục hàng hóa thiết yếu khác nhau. Hiện nay cũng có trường hợp khi vận chuyển liên tỉnh thì mặt hàng này là hàng hóa thiết yếu của tỉnh này nhưng lại không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu của địa phương khác. Hiện Bộ Công thương đang tham mưu cho chính phủ để khắc phục tình trạng này.
Cần nhận rõ một số mặt hàng thiết yếu còn có ý kiến khác nhau:
Sau vụ việc một công dân khi đi mua bánh mì bị mời về phường làm việc vì cho là bánh mì không phải là hàng hóa thiết yếu thì Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản 1153/SCT-TMXNK giải thích về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo văn bản 1153/SCT-TMXNK của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa về hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội gồm:
- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thuỷ sản (các sản phẩm từ thuỷ sản), rau, củ quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả) và trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng);
- Hàng công nghệ phẩm như: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói các loại; nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng...;
- Lương thực gồm: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột);
- Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.
- Khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh;
- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông gồm: Xăng dầu, gas, khí đốt và các loại nguyên liệu, vật liệu khác phục vụ sản xuất; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống.
- Thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Đơn cử một số mặt hàng cụ thể là mặt hàng thiết yếu theo văn bản 1153 của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa
Bánh mì: theo văn bản của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa thì bánh mì làm từ tinh bột nên được liệt vào mặt hàng thiết yếu.
Hải sản: Chú ý theo Điều 2 luật Thủy Sản 2017 qui định thủy sản bao gồm có cả các loài được khai thác trên biển như vậy theo văn bản này thì thủy sản bao gồm cả hải sản (ví dụ: cá biển hay cá sông đều là hàng thiết yếu).
Bao cao su: theo Thông tư 14/ 2018 của Bộ Y tế thì bao cao su được liệt kê là thiết bị y tế nên đi mua bao cao su được coi là hàng hóa thiết yếu.
Băng vệ sinh phụ nữ: theo Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính và Luật Giá 2012 Điểm B khoản 1 Điều 15 qui định hàng hóa thiết yếu thì Băng vệ sinh là hàng hóa thiết yếu và cũng là trang thiết bị y tế.
>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật
>>>> Đang Cách Ly Tập Trung Vì Dịch COVID-19, Thì Chi Phí Khám, Chữa Bệnh Khác Tính Ra Sao?
>>>> Miễn Đóng Đoàn Phí Công Đoàn Vì Dịch Bệnh COVID-19
>>>> Người Bị Cách Ly Làm Gì Khi Phải Cách Ly Y Tế Tại Nhà, Nơi Lưu Trú?
>>>> Trường Hợp Nào Xét Nghiệm Covid-19 Được Thanh Toán Bảo Hiểm Y Tế?