Trường hợp nào xét nghiệm Covid-19 được thanh toán Bảo hiểm y tế?

(VOH) - Ngày 30/7/2020, Bộ Y tế ban hành Công văn 405/BYT-KHTC về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai cho BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện.

Hai trường hợp được thanh toán Bảo hiểm y tế:

Theo văn 405/BYT-KHTC, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tạm thời thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 cho 2 trường hợp có thẻ BHYT như sau:

+ Người bệnh phải thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly và người nhiễm COVID-19 đang khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

+ Các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của BYT về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Như vậy, các trường hợp người tự đi xét nghiệm COVID-19 thì không thuộc hai trường hợp này.

Hình minh họa

Mức giá được thanh toán:

- Về mức giá chi trả BHYT: áp dụng mức giá theo quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư  13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019:

+ Dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR (734.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR.

+ Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh (238.000 đồng/1 mẫu nghiệm) đối với trường hợp thực hiện test nhanh.

Sau khi nhận được Công văn số 4051/BYT-KHTC về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 2418/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân (BHXH tỉnh) về việc triển khai nội dung này.

Công văn số 2418/BHXH-CSYT, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thực hiện, kịp thời giám định và thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đối với người có thẻ BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4051/BYT-KHTC.

Xét nghiệm ở đâu?

Ngày 1/8/2020 Bộ Y tế Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia có công văn 4109/BYT-DP về việc xét nghiệm SARS-CoV-2:

-Các đơn vị có đủ năng lực thì phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá, thẩm định.

-Các đơn vị muốn thực hiện xét nghiệm khẳng định thì liên hệ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận.

- Các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định thì không cần gửi mẫu đến các phòng xét nghiệm khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính.

Hiện nay trên thế giới có 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường dùng để xét nghiệm nhanh), trong đó phương pháp PCR có độ chính xác cao hơn, thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên phương pháp PCR đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).

Tính đến 14/5, Bộ Y tế cho phép 58 đơn vị trên cả nước được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19, trong đó có 27 đơn vị ở miền Bắc, 26 ở miền Nam, 4 ở miền Trung và 1 ở Tây Nguyên.

Việt Nam có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được WHO công nhận bao gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Hà Nội; Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang. 

Các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định COVID-19:

Miền Nam

Viện Pasteur TPHCM; Trường đại học Y dược TPHCM; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Thống Nhất TPHCM; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; Bệnh viện Nhi Đồng 1; Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; Bệnh viện FV TP.HCM; Chi cục Thú y vùng 6; Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Quân y 7A; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ; Trung tâm Y tế dự phòng Hậu Giang; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau; Trung tâm Y tế Phú Quốc; Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang; Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu;Chi cục Thú y vùng 7.

Miền Bắc

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương; Bệnh viện Nhi trung ương; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Phổi trung ương; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Medlatec; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Bệnh viện 108; Viện Y học dự phòng quân đội; Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

Miền Trung

Viện Pasteur Nha Trang; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng; Bệnh viện Trung ương Huế; Chi cục Thú y vùng 3.

Tây Nguyên

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> 17 Đối Tượng Không Phải Đóng Tiền Mà Vẫn Được Bảo Hiểm Y Tế

>>>> Những Đối Tượng Nào Được Hưởng Trợ Cấp Xã Hội?

>>>> Bị Tai Nạn Lao Động Mà Không Được Đền Bù, Phải Làm Sao ?

>>>> Điều Kiện Nhờ Mang Thai Hộ Và Chi Phí Thuốc Men?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo