Công, viên chức thành lập doanh nghiệp khác ngành có được không?

(VOH) - Công, viên chức có được quyền thành lập công ty, doanh nghiệp khác với ngành mình đang công tác không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

“Xin cho hỏi: cán bộ, công chức, viên chức có được thành lập công ty hay doanh nghiệp tại Việt Nam hay không? Tôi nghe nói nếu doanh nghiệp khác ngành mà mình đang công tác thì được cho phép có đúng không? Trường hợp không thành lập nhưng là doanh nghiệp, công ty của người thân mà chỉ tham gia quản lý thì được không?"

Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn luật sư TPHCM tư vấn,

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì những tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp:

Một là: Các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị;

Hai là: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010;

Ba là: Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

Bốn là: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác…

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018  thì những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tham gia vào các công việc sau đây:

Thứ nhất là: Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

Thứ hai là: Không được tam gia tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

Thứ ba là: Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ…

Điều 14 Luật Viên chức 2010 quy định về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh như sau:

- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.

Độc giả đặt câu hỏi vừa nêu có thể dựa vào các quy định đã dẫn để đối chiếu.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Hợp Đồng Hợp Tác Với Công Ty Nước Ngoài Khi Có Tranh Chấp Thì Giải Quyết Như Thế Nào?

>>>> Tài Sản Tranh Chấp Đang Thế Chấp Ngân Hàng, Tòa Xử Có Được Không?

>>>> Khi Nào Bắt Buộc Sử Dụng Hoá Đơn Điện Tử?

>>>> Doanh Nghiệp Không Hưởng Tết Hoặc Thưởng Bằng Hàng Hóa Doanh Nghiệp Sản Xuất Có Vi Phạm Không?

>>>> Muốn Mở Cửa Hàng Bán Lẻ Sản Phẩm Của Doanh Nghiệp Cần Thủ Tục Gì?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo mới