Chủ đất bán một miếng đất cho hai người mua bằng giấy tay, giờ phải làm sao?

(VOH) - Mua đất bằng giấy tay đã trả hết tiền nhưng chưa làm sổ đỏ, rồi chủ đất tiếp tục dùng miếng đất đó bán cho người mua sau. Giờ phát sinh tranh chấp phải giải quyết ra sao?

Sự kiện: tư vấn pháp luật

Độc giả gửi thư hỏi với nội dung: Chị tôi có mua một miếng đất giá 1,2 tỷ bằng giấy tay có ký nhận của người chủ đất nhưng không ra công chứng cũng không có lập vi bằng. Sau này chủ đất lại bán tiếp miếng đất đó cho người mua khác với giá 1,1 tỷ đồng nhưng có lập vi bằng. Người mua sau này nói chị tôi sẽ mất miếng đất đó vì giấy tờ mua của chị tôi không có vi bằng, giờ người mua này nói đưa chị tôi 500 triệu để lấy miếng đất đó chị tôi có nên lấy không? Xin luật sư tư vấn?

Luật sư Nguyễn Thế Hùng tư vấn,

Theo tình huống bạn đưa ra có thể hiểu rằng, chị của bạn đã hoàn thành việc mua bán miếng đất, tuy hợp đồng là giấy viết tay, không được công chứng, chứng thực. Vậy chị của bạn đã vi phạm về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 167 Luật đất đai năm 2013 cũng như yêu cầu của Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 117 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong trường hợp luật có quy định.

Tuy nhiên do dự liệu tất cả các tình huống phát sinh trong cuộc sống đa dạng và phức tạp, luật cũng mở hướng để có thể giải quyết tình huống mà chị của bạn gặp phải.

Theo quy định tại Điều 129 BLDS 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, có nêu rõ như sau:

- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Do giao dịch của chị bạn và người bán đất diễn ra trước và chị của bạn đã hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng là 1,2 tỷ, chị của bạn có thể yêu cầu tòa án nơi miếng đất tọa lạc xem xét công nhận hiệu lực của giao dịch.

Sau khi có bản án có hiệu lực, chị của bạn có thể yêu cầu các cơ quan có chức năng, thẩm quyền thực hiện thủ tục sang tên.

Do chị của bạn không có quan hệ nào làm phát sinh về quyền và nghĩa vụ với người nhận chuyển nhượng lần sau đó nên không nhất thiết phải quan tâm đến yêu cầu của họ. Người này cùng với bên chuyển nhượng sẽ phải giải quyết trong một quan hệ pháp luật khác mà ở đây xin mạn phép không đề cập.

>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Mua Đất Vì Thay Đổi Qui Hoạch Người Bán Bắt Trả Thêm Tiền Có Đúng Không?

>>> Khi Nào Bỏ Khung Giá Đất Và Sẽ Xác Định Giá Đất Theo Nguyên Tắc Thị Trường?

>>> Chuyển Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp Thì Có Cần Sự Đồng Ý Của Các Con Không?

>>> Người Được Ủy Quyền Có Được Ủy Quyền Lại Cho Một Người Khác Không?

>>> Mua Đất Bằng Giấy Tay: Người Bán Không Tách Sổ, Phải Làm Sao?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo