Từ 18/8/2020, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phải học nâng chuẩn trình độ phù hợp

(VOH) - Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực từ 18/8/2020.

Theo đó, đối tượng phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên bao gồm:

- Giáo viên mầm non có đủ 2 yếu tố:

+ Chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Giáo viên tiểu học có đủ 02 yếu tố:

+ Chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên đang có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên đang có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Giáo viên THCS có đủ 02 yếu tố:

+ Chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

+ Tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Chú ý Không phân biệt giáo viên trường công hay trường tư, tất cả nếu không đủ chuẩn, thuộc nhóm đối tượng nêu trên đều phải tham gia đào tạo.

Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch 5 năm theo lộ trình 2020 - 2025 và 2026 - 2030 gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm.

Hàng năm, các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch, gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ban hành kế hoạch và gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kế hoạch về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Quyền lợi của giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn:

Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí; 

Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục;

Được hưởng 100 % lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp:

- Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo;

- Không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp, trừ trường hợp có lí do khách quan bất khả kháng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

- Đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Quy Định Về Diện Tích Làm Việc Cho Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Giảng Viên Chính

>>>>  Từ Ngày 15/1/2020: Chấm Dứt Cấp Chứng Chỉ Ngoại Ngữ A, B, C

>>>> Một Số Trường Đại Học Dừng Cấp Chứng Chỉ Ngoại Ngữ, Công Nghệ Thông Tin

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Trưởng, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo

 

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo