Có nên mua nhà bằng cách lập vi bằng hay không?

(VOH) - Mua nhà không có sổ hồng hoặc không tách sổ được bằng cách lập vi bằng thì có nên hay không? Sau này có hợp thức hóa được không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Độc giả hỏi: “Nếu tôi mua nhà bằng cách lập vi bằng (vì nhà không có sổ hồng hoặc sổ hồng chung) thì có đảm bảo sau này không mất nhà hay không? Nhà nước, địa phương có cho tôi hợp thức hóa căn nhà mua bằng vi bằng hay không nếu như căn nhà này không vi phạm quy hoạch, lộ giới và người bán đồng ý cho tôi làm giấy tờ nhà và nhà này cũng không bị kiện tụng gì?”

Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM tư vấn,

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:

“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Căn cứ theo quy định tại Điều Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:

Điều 36. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng

“1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.”

Do đó, hồ sơ vi bằng là một hình thức biên bản do văn phòng thừa phát lại cấp, ghi nhận ngày tháng đó, địa điểm, giữa các bên liên quan có sự việc diễn ra với những cam kết. Vi bằng không có ý nghĩa xác nhận quyền sở hữu hay quyền sử dụng của các bên.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:

“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.”

Như vậy, việc chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng chỉ xác nhận có giao dịch chuyển nhượng giữa các bên tham gia giao dịch mà không thẩm định được giao dịch đó có giá trị pháp lý hay không. Vì vậy khi tham gia giao dịch để chắc chắn và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bạn nên tiến hành làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực.

Xin cảm ơn luật sư.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Chuyển Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp Thì Có Cần Sự Đồng Ý Của Các Con Không?

>>>> Người Được Ủy Quyền Có Được Ủy Quyền Lại Cho Một Người Khác Không?

>>>> Mua Đất Bằng Giấy Tay: Người Bán Không Tách Sổ, Phải Làm Sao?

>>>>  Mất Giấy Mua Bán Đất Viết Tay, Làm Sổ Đỏ Được Không?

>>>> Sổ Đỏ, Sổ Hồng Và Những Quy Định Liên Quan Đến Việc Cấp Sổ

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo mới