Bị lộ lọt thông tin cá nhân, phải làm sao?

(VOH) - Bạn đọc hỏi nếu bị lộ lọt thông tin cá nhân, có kẻ mạo danh công an gọi điện đến để lừa gạt xin hỏi phải làm sao?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Em hiện sinh sống tại TPHCM, vừa qua em có bị một cuộc điện thoại đến nói đúng họ tên, ngày, tháng năm sinh, số CMND và nói rằng em có nợ nên bị tòa án ở Hà Nội phong tỏa tài khoản, em phải liên hệ với cơ quan công an để làm việc, em nghe là biết đây là cuộc điện thoại lừa đảo vì em không có làm gì mà bị phong tỏa. Như vậy, những thông tin cá nhân em đã bị lộ lọt, em có cần trình báo công an không và làm sao để bảo vệ thông tin cá nhân của em hiện nay. Xin luật sư tư vấn?

Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn luật sư TPHCM tư vấn:

Bạn đọc hỏi là có cần trình báo đến cơ quan công an khi gặp sự cố bất lợi do thông tin cá nhân bị lộ hay không và cần làm gì để bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay.

Chúng tôi xin được tư vấn như sau: Căn cứ theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì công an cấp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ phân loại và xử lý tin mà người dân trình báo về tội phạm. Do vậy theo tình huống trong câu chuyện mà bạn vừa chia sẻ, cũng chính là một ví dụ điển hình về tình huống kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bạn rất nên trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền mà chúng tôi vừa nêu. Cơ quan này sẽ ghi nhận nội dung bạn trình báo để tiến hành xác minh hoặc là kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của bạn khi phát sinh sự xâm hại.

Về việc bạn hỏi thêm là cần làm gì để bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay thì tôi xin được chia sẻ như sau:

Trong bối cảnh thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, việc lộ thông tin cá nhân thường xảy ra trên không gian này. Do vậy nhà nước đã quan tâm nghiên cứu đưa ra các quy phạm pháp luật để giúp điều chỉnh, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng trong “Luật An toàn thông tin mạng” ban hành năm 2016. Luật này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể thông tin cá nhân cũng như chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân khi có vụ việc làm phát sinh quan hệ giữa 2 bên.

Tại Điều 18 về “cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân” của luật này quy định rõ, chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ, hoặc yêu cầu họ ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba.

Và khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân quyền tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đang lưu trữ.

Điều 16 của luật này đưa ra nguyên tắc để giúp bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, mà theo đó thì tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân được yêu cầu.

Về việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân Điều 17 nêu rõ là tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân chỉ tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; họ chỉ được sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đồng thời không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật cũng quy định rằng cơ quan nhà nước là người chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ đối với thông tin cá nhân do mình thu thập còn chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ. Riêng việc bạn hỏi thêm là cần làm gì để bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay (nếu lộ lọt thông tin trên mạng) bạn có thể liên hệ với các chuyên gia về công nghệ thông tin để được hướng dẫn cụ thể.

Trên đây xin tóm lược vài nguyên tắc căn bản quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, bạn đọc có thể đối chiếu với những tình huống cụ thể gặp trong cuộc sống để vận dụng.

Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

...

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Cảnh Giác Với Chiêu Trò Lừa Đảo Nhận Tiền Hỗ Trợ Bảo Hiểm Thất Nghiệp!

>>>> Khi Đổi Thông Tin Về CMND Hay CCCD Có Phải Thông Báo Với Cơ Quan Thuế?

>>>> Học Sinh Trung Học Đem Theo Điện Thoại Di Động Có Vi Phạm Pháp Luật Không?

>>>> Luật Phòng Chống Tham Nhũng - Công Tác Giải Trình, Cung Cấp Thông Tin

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo