Học sinh Trung học đem theo điện thoại di động có vi phạm pháp luật không?

(VOH) - Học sinh có được sử dụng điện thoại trong lớp hay không? Có quyền cấm học sinh mang theo điện thoại nhưng không sử dụng trong trường hay không?

Một phụ huynh có thắc mắc hỏi: Xin hỏi hiện nay có qui định pháp luật nào về việc cấm không cho học sinh (THPT và THCS) đem theo điện thoại di động để sử dụng khi đi học? Nếu trường học không cho sử dụng điện thoại di động nhưng con tôi đem theo mà không sử dụng, chỉ khi ra về dùng để gọi cho tôi để tiện việc đón đưa cháu thì có được không? Trường nói nếu xét cặp nếu có điện thoại sẽ tịch thu như vậy có đúng không? Xin chương trình tư vấn.

Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM tư vấn

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc “học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học mà không phục vụ cho nhu cầu học tập cũng như sử dụng điện thoại di động trong trường hợp không được sự cho phép của giáo viên” là hành vi mà học sinh bị quy định là không được làm. Cần nói rõ hành vi bị cấm ở đây là “cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học mà không phục vụ cho việc học tập”.

Ngoài ra, để hướng dẫn cụ thể hơn việc sử dụng các thiết bị dạy học, trong đó có điện thoại di động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5512 năm 2020 để hướng dẫn cho các địa phương và cơ sở giáo dục như sau: “Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học nhằm hỗ trợ các hoạt động học tập sẽ do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định”.

Như vậy, khi ở lớp học, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động khi có sự đồng ý của giáo viên và việc sử dụng là nhằm phục vụ mục đích học tập.

Độc giả VOH là phụ huynh vừa nêu cũng hỏi là khi xét cặp thấy học sinh có điện thoại di động thì nhà trường có quyền tịch thu hay không? Về thắc mắc này chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Điên thoại di động là một công cụ, một phương tiện và cũng là một loại tài sản. Quyền có tài sản của con cái được quy định rất cụ thể tại Điều 75 Luật HN và GĐ năm 2014, theo đó con cái có quyền có tài sản riêng. Và tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, hoặc là có được từ thu nhập do lao động của con…

Quy định này cho thấy, dù trong độ tuổi trung học thì con của bạn vẫn có quyền sở hữu tài sản riêng. Nếu con có điện thoại di động thì con có quyền theo quy định tại Điều 158 BLDS 2015, theo đó: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, miễn là khi chiếm hữu, khi sử dụng cũng như khi định đoạt tài sản sở hữu không gây thiệt hại, hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, lợi ích của người khác. Quyền sở hữu này được bảo vệ bởi Điều 163 BLDS 2015 theo đó “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.

Với những quy định như vậy con của bạn không thể bị tịch thu điện thoại di động được mang theo chỉ để sử dụng vào việc liên lạc ngoài lớp học nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho việc đón đưa của phụ huynh.

Xin cảm ơn luật sư.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Sinh Viên Vay Vốn Học Tập: Cần Điều Kiện Gì, Liên Hệ Ở Đâu?

>>>> Đối Tượng Nào Được Miễn, Giảm Học Phí Từ 15/10/2021?

>>>> Thí Sinh Được Xét Đặc Cách Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông Cần Có Hồ Sơ, Thủ Tục Gì?

>>>> Từ 1/11/2020, Học Sinh Mầm Non Nào Được Hỗ Trợ Tiền Ăn Trưa?

>>>> Một Số Trường Đại Học Dừng Cấp Chứng Chỉ Ngoại Ngữ, Công Nghệ Thông Tin

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Trưởng, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo mới