Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo nhận tiền hỗ trợ Bảo hiểm thất nghiệp!

(VOH) - Thời gian qua đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Cuối tháng 10/2021 đến nay, lợi dụng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng, gửi tin nhắn lừa đảo qua điện thoại với nội dung “Nhận hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp”, nhiều người dân nhẹ dạ cả tin đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. 

Các đối tượng nhắn tin qua SMS và zalo để lừa đảo người dân, thậm chí gọi điện thoại từ đầu số +4841900 gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật? 

PV: Thưa luật sự, bản chất của hành vi chiếm đoạt Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có phải hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Mức độ xử lý như thế nào? 

Theo luật sư, hành vi trên đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức xử lý căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành vi hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều khoản khác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 – 100.000.000 đồng. 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

PV: BHXH Việt Nam đã đăng tải cảnh báo về việc lừa đảo, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương như Hưng Yên, Hà Nội, TPHCM…người dân vẫn mất cảnh giác, vẫn truy cập vào đường link lừa đảo nên bị chiếm đoạt tài sản. Luật sư có thể chia sẻ lời khuyên cho bà con nâng cao mức cảnh giác, hạn chế thấp nhất việc bị lừa đảo như hiện nay không? 

"Nhìn chung, bà con phải thật sự cảnh giác, tỉnh táo, luôn cập nhật thông tin mới nhất về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, quan tâm hướng dẫn của cơ quan ban ngành chuyên môn, không nên nghe lời kẻ xấu" - Luật sư nói. 

Trước diễn biến mới của tội phạm, Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) vừa có công văn gửi Cục Viễn thông và Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) thông tin cho DN cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet thông báo đến các thuê bao kênh thông tin chính thống của cơ quan BHXH Việt Nam để người dân được biết, tránh bị lừa chiếm đoạt tiền trên tài khoản. 

Đồng thời, điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi giả mạo cơ quan BHXH; ngăn chặn các ứng dụng, đường link, trang web lừa đảo.

Hiện nay, các thông tin trực tuyến hỗ trợ NLĐ tra cứu của BHXH Việt Nam gồm:

Cổng Thông tin điện tử: https://baohiemxahoi.gov.vn 

Cổng Dịch vụ công: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn 

Ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số.

Địa chỉ thư điện tử: thongbao@baohiemxahoi.gov.vn.

Nhắn tin qua tổng đài số: 8079.

Số điện thoại hotline: 1900.9068.

Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp vào đường link lạ nếu không có thể bị mất tài khoản chiếm đoạt tiền. Người dân cần nâng cao cảnh giác hoặc gọi ngay cho số hotline: 1900.9068 để được tư vấn hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời.   

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo