Những tấm gương theo chân Bác Tôn - Thời sự 11g00 20/08/2019

(VOH) - Học tập theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người công nhân lao động hôm nay đã có nhiều sáng kiến trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng, phát triển quê hươngTPHCM thêm giàu mạnh.

Hôm nay, kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1988 - 20/8/2019), chúng ta lại bồi hồi tưởng nhớ và tự hào về tấm gương sáng, lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, trong sáng, chân thành, giản dị của người chiến sỹ cộng sản, người anh cả của giai cấp công nhân Việt Nam. Học tập theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người công nhân lao động hôm nay đã có nhiều sáng kiến trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng, phát triển quê hương thành phố Hồ Chí Minh thêm giàu mạnh.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bác Tôn Đức Thắng, thời sự 11g00, nghe thời sự VOH

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Ảnh tự liệu)

Trong nhiều năm qua, Thành ủy và cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, đã tạo điều kiện và động viên đội ngũ công nhân thành phố không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân thành phố đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương và làm chủ kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng tình hình lao động, sản xuất mới.

Là công nhân Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, gần 20 năm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, Nguyễn Thị Thúy Hà luôn là cá nhân điển hình với nhiều mẫu mã mới, thiết thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chị chia sẻ, do nhu cầu sản xuất và cạnh tranh trên thị trường các doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu, luôn luôn thay đổi mẫu mã mới để giới thiệu cho khách hàng, sau thời gian tìm tòi sáng tạo chị đã suy nghĩ, trong nước nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ rất nhiều, chẳng hạn như dây lục bình trôi nổi ở sông rạch ở các tỉnh miền Tây, những nguyên liệu này nông dân không cần phải đầu tư nhiều vốn để chăm sóc, nếu lấy nguyên liệu này để tạo ra một sản phẩm mang đặc điểm riêng của Việt Nam mà còn thân thiện với môi trường khách nước ngoài rất ưu chuộng. Từ đó, ý tưởng lấy những sợi dây lục bình để đan vào chiếc khung sắt để làm bồ đựng trái cây trông rất đẹp mà rất thân thiện với môi trường, với xu thế của khách hàng nước ngoài, giúp họ có cảm giác được trở lại với những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên hơn, vừa sạch đẹp, lại giải quyết được nguồn nguyên liệu trong nước, giúp tạo việc làm có thêm thu nhập cho những người nông dân vùng sống nước. Đã có hơn 90.000 sản phẩm được ra đời kể từ khi áp dụng sáng kiến mới này, làm lợi cho đơn vị hơn 100 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Thúy Hà tự hào giới thiệu sản phẩm mới của mình: "Đây là dạng bồ có hai quay, khi cầm như cái giỏ, cầm hai quy nhắc lên rất dễ dàng, kiểu đan cũng khác, đảo dây, đi ngược lại với kiểu đan bình thường, tạo ra kiểu lạ mắt hơn. Bản thân nghĩ cũng phải cố gắng hơn nữa để có thêm nhiều sản phẩm mới mang lại lợi ích cho công ty, tạo thêm việc làm cho người lao động".

Còn Thạc sĩ Huỳnh Hữu Phúc là một điển hình của người công nhân không chấp nhận đầu hàng trước những khó khăn. Hiện anh là Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4. Công tác trong ngành gần 30 năm, anh không ngừng phấn đấu trong học tập, trao dồi kỹ năng, chuyên môn, đặc biệt là phát huy nhiều sáng kiến từ những khó khăn trong công việc. Anh có đến 8 sáng kiến được ghi nhận và đã áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sáng kiến, cải tiến “Ngăn ngừa ngập nước, nhiễm ẩm các hầm cáp và đảm bảo an toàn khi thi công tại hầm cáp số 4 của đường cáp ngầm 220kV Nhà Bè – Tao Đàn”; “Nghiên cứu sử dụng loại đèn cảnh báo không lưu lắp trực tiếp trên dây dẫn hiệu Delta Box thay thế cho các đèn cảnh báo pha nhằm ngăn ngừa sự cố cho đường dây trên không 220kV, 500kV”; “Thống kê, đánh giá số liệu để xác định quy luật sự cố do sét từ năm 2013 - 2016 nhằm có giải pháp phù hợp ngăn ngừa sự cố do sét đối với đường dây truyền tải”... Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật này đã giúp công ty tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh còn góp phần tích cực trong việc tổ chức, đào tạo cho cán bộ, công nhân viên học tập và biên soạn quy trình vận hành của các Công nghệ mới, sẵng sàn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như cùng đồng nghiệp, các công nhân vượt qua những khó khăn trong lao động, như người thợ cả. Thạc sĩ Huỳnh Hữu Phúc chia sẻ: "Đầu tiên phải có sự đam mê trong nghề nghiệp để mình có thể giải quyết công việc một cách chu toàn nhất. Thực tế, những sáng kiến của tôi phục vụ chủ yếu vào công tác, công việc là chính. Trong quá trình công tác gặp rất nhiều khó khăn, do đó, phải tìm cách để giải quyết những khó khăn đó, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi cho anh em công nhân có thể thực hiện nhiệm vụ dễ dàng, nhanh chóng. Vì làm trong ngành điện, quản lý lưới điện cao áp, phải đảm bảo việc cung cấp điện liên tục, an toàn và tin cậy".

Từ công việc hằng ngày, từ sự đam mê, yêu nghề người công nhân thành phố đã có những sáng kiến cải tiến giúp công việc tốt nhất. Và cũng có những sáng kiến xuất phát từ thực tế cuộc sống gắn liền với ngành nghề của bản thân người lao động. Kỹ sư Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty Thoát nước đô thị Thành phố. Anh có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng thực tế, mang lại hiệu quả cao, giúp công nhân công ty làm việc hiệu quả, tiện lợi hơn. Điển hình có thể kể đến như: “Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập phục vụ công tác dự báo và tổ chức ứng cứu ngập nước tại Thành phố”; sáng tạo “Thùng thu gom rác chuyên dụng đặt trên xe gắn máy phục vụ công tác trực mưa, ứng cứu ngập”; “Xây dựng phần mềm nâng cao hiệu quả công tác tuần tra thoát nước”; “Nghiên cứu cải tiến cảo lấy bùn trong cống thoát nước”; xây dựng “Cửa thu nước ngăn mùi bằng van kiểu mới”, với cơ chế ngăn mùi hôi bằng nước, vào mùa khô nước bốc hơi nên mất tác dụng ngăn mùi, tận dụng kích thước miệng thu nước vẽ các tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng đồng bộ với vỉa vè, mặt đường tạo mỹ quan đô thị. Chia sẻ về sáng kiến xây dựng “Cửa thu nước ngăn mùi bằng van kiểu mới”, Kỹ sư Bùi Văn Trường quan điểm: để giải quyết vấn đề, phải tìm giải quyết từ gốc mới hiệu quả: "Chức năng chính của miệng hố ga là thu và thoát nước mặt đường, thoát nước mưa, khi bịt lại thì mất tác dụng thoát nước và ngập là không thể tránh khỏi. Từ đó, mình nghiên cứu tại sao người dân lại che lấp miện thu như vậy? phải có nguyên nhân, gốc của vấn đề là gì? Mình tìm hiểu thì phát hiện là do mùi hôi từ hệ thống thoát nước, mình mới nghiên cứu giải quyết mùi hôi thì sẽ giải quyết được vấn đề, cộng thêm vào đó là những hình ảnh tuyên truyền được vẽ trên các miệng hố ga tác hại của việc xả rác".

Đây chỉ là 3 trong số 10 tấm gương được thành phố trao giải thưởng Tôn Đức Thắng trong năm 2019. Mỗi sáng kiến, giải pháp thành công gắn một quá trình lao động, trăn trở từ những khó khăn trong thực tế, trong đó có cả những lần thất bại. Nhưng không nản chí, mỗi lần thất bại lại là tiền đề để người công nhân thành phố tiếp tục mày mò, nghiên cứu, đóng góp sức mình vào sự phát triển của doanh nghiệp và Thành phố./.

Huệ Như

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo