Giải pháp cho tình trạng "chạy trường" – Thời sự 11g00 17/08/2019

(VOH) – Có nhiều lý do để phụ huynh cứ đến hẹn lại lên, chạy xin cho con vào trường điểm, trái tuyến. Có những lý do chính đáng, nhưng cũng không ít lý do thật khó thuyết phục.

Mong muốn con cái có điều kiện học hành tốt là yêu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hiện thực hoá mong muốn đó như thế nào, phải chăng phải theo đuổi trường điểm, trường chuẩn bất chấp điều kiện, năng lực thực tế của bản thân? Những giải pháp cho tình trạng này là gì?         

Những ngày  hè, trong khi  con trẻ được vui chơi thư giãn, thì chị Ngọc Thy, tạm trú tại quận Gò Vấp phải lo lắng chạy xin cho con suất học vào Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du trên địa bàn. Mặc dù, theo phân tuyến con của chị có tên trong danh sách vào học một trường trung học cơ sở gần đó ngay trên địa bàn nhưng chị vẫn quyết tâm chạy xin cho con vào ngôi trường có tiếng hơn. Dù tốn công sức, thậm chí tiền của, cũng như khả năng kết quả không như mong đợi nhưng chị vẫn thử sức vì con: "Thí dụ biết trường này tốt nhưng không có khả năng thì cũng bó tay thôi, nhưng mình có khả năng thì lo cho con. Tâm lý phụ huynh mình là vậy.”

Lo lắng không kém, chị Trần Thị Thu Vân, hộ khẩu quận 10 nhưng đang tạm trú và làm việc trên địa bàn quận 8 lại là một trường hợp "chạy trường" hoàn toàn khác. Theo quy định con chị sẽ được phân tuyến vào trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, quận 10, nhưng thực tế chị không còn sinh sống tại quận 10 mấy năm nay. Hiện đang thuê phòng trọ ở cùng mẹ và con trai tại quận 8. Nhà neo người, chị lại đang đi làm thuê, nếu con đi học theo tuyến việc đưa đón thực sự rất vất vả. Vì vậy, mấy tháng nay, chị rất lo lắng hỏi xin cho con vào trường tiểu học Bông Sao gần nhà trọ. Nhờ người quen hướng dẫn, chị đang hoàn tất thủ tục nhập học cho con vào trường. Chị Vân vui mừng chia sẻ: "Nếu đúng tuyến người ta không giải quyết, kêu chị về quận 10. Không phải chị không muốn nhưng vì xa quá, chị bán nhà đi lâu rồi. Đi xa, chị không có thời gian đưa đón, chị làm ở quận 8.”

Có nhiều lý do để phụ huynh cứ đến hẹn lại lên, chạy xin cho con vào trường điểm, trái tuyến. Có những lý do chính đáng, nhưng cũng không ít lý do thật khó thuyết phục. Thậm chí, chỉ vì nghe phụ huynh truyền tai nhau ngôi trường này có thực đơn bán trú rất tốt, dân trí cao là dù có khó khăn phụ huynh vẫn kiên trì ra sức theo đuổi. Vậy nên vào năm học mới, không ít trẻ đã phải thức dậy từ hơn 5 giờ sáng theo cha mẹ đi xuyên thành phố để đến trường. Có em ngồi trên xe vừa tranh thủ ăn gói xôi, ổ bánh mì cho kịp giờ vào lớp. Lợi ích chưa thấy, trước mắt ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ vì sự căng thẳng của những quãng đường dài đi về.

Thực tế không ít trường tiểu học, trung học cơ sở được xem là có tiếng, trường tốt nhưng sỉ số lớp có khi lên đến 50 em. Giáo viên dù có chuyên môn vững chắc vẫn không thể sâu sát, quan tâm đến từng cá nhân học sinh.  Không ít trường do hạn chế diện tích sân chơi, giờ thể dục giữa giờ, nhiều khi học sinh không đủ chỗ xếp hàng để thực hiện bài tập.

Trong khi đó, với chủ trương ưu tiên đầu tư cho giáo dục, hàng năm thành phố  sửa sang, xây mới rất nhiều trường học, đặc biệt là ở các khu vực vùng ven, ngoại thành. Chủ trương này bên cạnh hướng đến chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong tuổi đi học, còn nhằm mục đích tạo sự đồng đều trong mặt bằng chất lượng giữa các trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng Quận 10, việc theo học đúng tuyến gần nhà không chỉ giúp mối liên kết giữa gia đình nhà trường được thuận lợi, mà còn tạo sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với địa phương trong những trường hợp cần thiết. Ông nêu ví dụ: "Nếu ở Quận 11, hộ khẩu quận 11 thì tại sao không về bên đó học. Học bên đó thì địa phương bên đó sẽ giúp đỡ rất tốt. Còn bây giờ học bên này, nếu có khó khăn, nhà trường có chương trình phụ đạo. Nhưng để phát triển bền vững và lâu dài, để học hết chương trình cấp 2, phổ cập giáo dục thì địa phương nào nên về địa phương đó. Các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay cũng vậy. Phụ huynh cứ thích  "chạy" vô các trường ở trung tâm thành phố nhưng các quận huyện vùng xa hiện nay cơ sở vật chất tốt hơn rất nhiều"   

Chính vì những yếu tố này, trong công tác tuyển sinh đầu cấp của các quận huyện luôn xác định không tuyển trái tuyến. Đảm bảo 100% trẻ sinh sống trên trên địa bàn có chỗ học cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu được thành phố xác định trong các văn bản chỉ đạo. Với các trường hợp trái tuyến phải được hội đồng tuyển sinh quận huyện phê duyệt và thẩm định.

Ngoài ra, trong năm học này, việc áp dụng hình thức tuyển sinh đầu cấp trực tuyến cũng được một số quận huyện triển khai song song với hình thức trực tiếp trước đây, như: quận 1, quận 3, quận 8, quận Tân Bình ... Trước mắt, việc áp dụng hình thức này cũng góp phần cung cấp thông tin rộng rãi, giúp người dân có thể giám sát công tác tuyển sinh một cách hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 thông tin: "Nó tạo một sự công bằng trong giáo dục, thể hiện ở chổ công khai minh bạch từ kế hoạch tuyển sinh, đến phương thức tuyển sinh, công bố công tác tuyển, tất cả đều công khai trên cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, còn tinh giản thủ tục, tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh"  

Năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8 cũng thí điểm tuyển sinh đầu cấp trực tuyến tại một số trường mầm non, tiểu học và toàn bộ trường trung học cơ sở trên địa bàn. Ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng hình thức trực tuyến  này giúp hạn chế phần nào việc chạy trường: "Một em nộp hồ sơ 2,3 trường sẽ đưa lên con số ảo trong công tác tuyển sinh. Vì vậy, khi viết phần mềm trực tuyến học sinh đăng ký ở trường này chắc chắn sẽ không thể đăng ký ở trường khác (trong quận) được nữa. Điều này sẽ hạn chế tình trạng chạy trường chạy lớp" 

Thành phố đang xây dựng Trung tâm điều hành thông minh và hướng đến mô hình trường học thông minh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu đi vào hoạt động, công tác tuyển sinh đầu cấp sẽ không dựa vào hình thức hộ khẩu như hiện nay mà sẽ tính theo khoảng cách địa lý: "Có tình trạng trường ở bên kia đường nhưng lại là trái tuyến. Thay đổi cách tuyển sinh đầu cấp sao cho đi học tiện và gần nhất để giảm ùn tắc giao thông. Gần theo nghĩa địa lý, tức là từ trường đến nhà sẽ có phần mềm chọn vị trí này, chọn ví trí kia. Chọn trường tiểu học, thì khoảng cách đến các nhà đường đi là bao xa, phần mềm sẽ tự lựa chọn sắp xếp các em gần ở trường nào sẽ bố trí đầu cấp vô trường đó. Đang xây dựng ý tưởng như vậy"

Nếu triển khai, việc lựa chọn phân bổ học sinh vào các trường sẽ do phần mềm thực hiện theo tiêu chí có khoảng cách nơi cư trú đến trường học trong bán kính gần nhất. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, sự công bằng và dễ dàng nhận được sự đồng thuận từ xã hội. Đồng thời, khi kết nối đồng bộ với mô hình tuyển sinh trực tuyến, mỗi học sinh chỉ được đăng ký vào một trường, tin chắc việc chạy trường chạy lớp sẽ được kéo giảm đáng kể.

Tâm An 

VOH

Bình luận

Đọc Báo