Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt mùa lũ thấp - Thời sự 11g00 16/08/2019

(VOH) - Trước tình hình lũ nhỏ trên sông Mê Kong và dự báo mùa khô khắc nghiệt cho năm tới, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó.

Tỉnh Bến Tre mở cuộc vận động toàn dân trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Tỉnh Sóc Trăng chủ động triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương. Nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp cũng sẵn sàng với hệ thống bơm lấy nước vào ruộng. Thành phố Cần Thơ thì đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước. Có thể thấy, để giảm thiểu thiệt hại cũng như phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Tiếp tục loạt bài "Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt mùa lũ thấp", VOH có phỏng vấn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam xung quanh những giải pháp ứng phó với tình hình lũ 2019.

VOH: Thưa ông, khác với năm trước tình hình lũ nhỏ thậm chí là kiệt nước đang diễn ra trên lưu vực sông Mekong. Theo ông nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Nghĩa Hùng: Lũ là một thuộc tính đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long do mưa trên lưu vực sông Mekong gây ra. Lượng mưa trung bình tích luỹ từ đầu tháng 6 cho đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng 500mm. So với cùng kỳ 2018 thì thấp hơn khoảng 30%, so với trung bình nhiều năm thấp hơn khoảng 35%.

Mưa xuất hiện thấp cùng với điều tiết tích nước của các hồ chứa trên lưu vực thì ước tính tổng diện tích lưu ích của các hồ đã hoàn thành khoảng 55 tỷ mét khối, chưa kể các hồ dự kiến sẽ hoàn thành đến 2020 là thêm khoảng 20 tỷ mét khối. Đã làm cho dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Mực nước lớn nhất tình đến thời điểm hiện nay tại Tân Châu khoảng 1,76m, xuất hiện vào ngày mùng 4/8/2019. So với cùng kỳ 2018 thấp hơn khoảng 0,83m, so với trung bình nhiều năm thấp hơn khoảng 0,87m 

VOH: Với tình hình này, những ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân đồng bằng sẽ như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Nghĩa Hùng: Theo dự báo của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam lũ 2019 xuất hiện trên đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ở mức nhỏ. Tại Tân Châu mức lũ chỉ khoảng từ 3 đến 3,5m. Ít có khả năng lũ ở mức từ 3,3 đến 3,7m. Lũ nhỏ có một số thuận lợi với người dân vùng lũ như ít bị uy hiếp đến cơ sở hạ tầng vùng lũ, thuận lợi hơn cho vụ sản xuất hè thu  và thu đông.

Nhưng lũ nhỏ lại mang đến những bất lợi như nguồn lợi thuỷ sản thấp đi, không hỗ trợ được cho vệ sinh đồng ruộng , diệt trừ sâu bọ, nguy cơ xâm nhập mặn sớm và phức tạp vùng ven biển trong mùa khô 2019 và 2020 là hiện hữu. Người dân vùng ít nước ngọt sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Những vùng cây ăn trái phải thận trọng khi lấy nước tưới, tránh tình trạng tưới nước mặn lên vùng cây ăn quả có giá trị. Những kinh nghiệm của mùa khô năm 2015-2016 rất quý để người dân vận dụng tốt hơn trong việc trữ nước, lấy nước cho mình.

VOH: Ông có định hướng sản xuất cho bà con  nông dân để có thể thích ứng, cũng như hạn chế phần nào những thiệt hại?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Nghĩa Hùng: Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại gây ra, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan quản lý trong việc bố trí mùa vụ, bố trí cơ cấu cây trồng vật nuôi đặc biệt đối với vụ Thu Đông ở các vùng chưa có đê bao, nguy cơ ngập cao. Đối với vụ Đông Xuân 2019-2020 cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý vận hành công trình thuỷ lợi để tích trữ nước hiệu quả và tiết kiệm. Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành để chủ động nắm bắt kịp thời hơn trong sản xuất. Hiện nay, theo sự phân công của Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam là đơn vị thường trực theo dõi cập nhật số liệu về dòng chảy thượng lưu, dự báo ngành và nguồn nước, phục vụ việc điều hành sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long. Quý vị và bà con có thể trực tiếp vào website của Viện để theo dõi    

VOH: Với các địa phương, và vùng, theo ông nên có kế hoạch dài hạn nào để thích ứng với tình hình nguồn nước hạn chế cũng như biến đổi khí hậu như hiện nay? 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Nghĩa Hùng: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển thượng nguồn đều đã được xem là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được đánh giá diễn tiến ở mức chậm hơn vấn đề phát triển thượng lưu mà chủ yếu là xây dựng đập, các hồ chứa, sự tham gia của các diện tích tưới, chuyển nước ra khỏi lưu vực. Cũng như thay đổi tình hình sản xuất trên thượng nguồn đã làm biến động dòng chảy trên đồng bằng sông Cửu Long cả trong mùa mưa và mùa khô. Các trận lũ lớn ít dần, lũ vừa và nhỏ ngày càng gia tăng, các vùng ngập lũ chuyển trạng thái sang "đói" lũ. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại cũng như phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện. Điển hình, với giải pháp phi công trình phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 899 ngày 10/8/2013.

Đặc biệt khi đồng bằng sông Cửu Long không lũ là điều kiện thuận lợi để tăng các diện tích sản xuất Thu Đông. Diện tích canh tác Thu Đông, Đông Xuân, Hè Thu ở các vùng nhiễm mặn phải giảm do nguồn nước ngọt không ổn định. Cần phải nghiên cứu các giống cây trồng sử dụng ít nước, có khả năng chịu hạn mặn cao hơn, phổ biến các kỹ thuật tưới tiêu tiên tiến và tiết kiệm nước hơn. Tăng cường công tác phối hợp với Hội sông Mekong các nước thượng lưu trong việc sử dụng phân chia nguồn nước hợp lý, xây dựng các khung quản lý thiên tai tổng hợp nhằm nâng cao năng lực khả năng ứng phó của các cấp chính quyền trong trường hợp  thiên tai đặc biệt.

Với các giải pháp công trình, cần rà soát đánh giá lại hiện trạng công trình hạ tầng như thuỷ lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu hoàn thiện nâng cao hiệu quả khai thác công trình gắn với chuyển đổi sản xuất phát triển đa mục tiêu, xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu giải pháp chuyển, tích trữ, khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý như nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hoàn thiện đồng bộ các hệ thống thuỷ lợi đã nghiên cứu nhằm phát huy hiệu quả hệ thống công trình, chủ động kiểm soát nguồn nước.

Cám ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo