Bài 1: Lũ không về nhiều nỗi lo lại đến - Thời sự 11g00 15/08/2019

(VOH) - Năm nay mặc dù đã bước vào tháng 7 âm lịch, vẫn chưa thấy dấu hiệu của mùa nước lên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu thời điểm này năm ngoái bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tất bật đón mùa lũ với những con nước tràn đồng, thì năm nay mặc dù đã bước vào tháng 7 âm lịch, vẫn chưa thấy dấu hiệu của mùa nước lên.

Lũ, Thời sự 11g00, nghe thời sự VOH

Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ

Đến thời điểm hiện tại, tháng 7 nước nhảy khỏi bờ, thì tại vùng đầu nguồn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của con nước lên. Mực nước được ghi nhận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nông dân Nguyễn Văn Dũng, xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết thời điểm này vào năm ngoái nước đã cao hơn 1 mét so với mực nước hiện tại. Không có lũ, bà con nông dân trong vùng phân vân giữa việc tiếp tục canh tác lúa vụ 3 hay chờ xả lũ: "Nếu mực nước lũ như năm rồi cũng tạo được nhiều điều kiện thuận lợi. Một số diện tích bao đê có lũ sẽ tạm ngưng thời gian xuống giống để xả lũ nhằm rửa sạch sâu bệnh trên đất. Nhưng cái đỉnh lũ như năm nay dự báo không thể lên ruộng được, bà con muốn ngưng vụ cải tạo đất sẽ khó. Tại vì ngưng vụ mà không có lũ thì bà con tiết kiệm thời gian nên cứ tiếp tục, không có quy hoạch để xả lũ khử bệnh được"

Nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chờ con nước về. Cánh đồng hơn 4 héc ta của nông dân Nguyễn Văn Bé Tư, xã Mỹ Hoà, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, năng suất mấy vụ lúa vừa qua khá thấp. Theo anh một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ruộng lúa nhiều năm qua không được xả lũ. Hệ thống đê bao khép kín, bà con nông dân nơi đây 2 năm làm đến 7 vụ lúa nên đến khi kết thúc vụ lúa thu đông thì chỉ có ít ngày để cải tạo đồng ruộng bắt đầu vụ đông xuân sớm. Vụ mùa năm nay cũng mong ruộng vườn được xả lũ nhưng theo anh chắc khó thực hiện: "Nếu không xả lũ thì phân hoá học bón vào đất phải nhiều hơn. Hiện nay, 1 ha lúa phải bón trên 500 kg phân hoá học, trong khi trước đây chỉ khoảng 400 kg. Dịch hại sâu bệnh cũng nhiều hơn tại mình không xả lũ được, dịch hại sâu bệnh các thứ trú ẩn trên bờ..., không có nước lũ về nó cứ xoay chuyền, sinh sôi ở đó

Theo các chuyên gia, 2 yếu tố chính tác động đến nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long là lượng nước tích trữ trong Biển Hồ và dòng chảy trên lưu vực chính sông Mê Kong. Trong khi đến thời điểm này mực nước tại vùng đầu nguồn Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang vẫn chỉ dưới 2 mét. Mực nước đến nay chủ yếu lên xuống theo triều. Nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Mê Kong quá thấp so với các năm bình thường cũng đã được chỉ ra do năm nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kong ít hơn so với trung bình nhiều năm, thống kê chỉ băng 60% trung bình các năm. Lượng mưa ít từ đầu năm do ảnh hưởng hiện tượng El Nino và dự báo còn kéo dài đến 1-2 tháng nữa nên lượng mưa sẽ tiếp tục thấp. Với diễn tiến trong năm khô hạn, các đập thủy điện thượng nguồn lại càng tích trữ nước nên làm cho tình hình càng thêm nghiêm trọng. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Chuyên gia dự báo khí tượng thuỷ văn, dự báo về tình hình thuỷ văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: "Rằm tháng 8 âm lịch trở đi mới có nước lũ tràn về. Gọi là lũ chứ thực tế gọi là nước lên thì đúng hơn. Theo dự báo năm nay đỉnh lũ chính vụ xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu và Châu Đốc thì cũng ở mức thấp: dưới báo động 2. So với năm ngoái thấp hơn từ 5 đến 8 tấc. Như vậy, bà con cần chủ động trong sản xuất vụ Thu Đông và Đông Xuân sắp tới ".

 Miền Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào mực nước sông Tiền, sông Hậu, đoạn cuối của dòng sông Mê Kong trước khi đổ ra biển. Lũ không về không chỉ đối mặt tình trạng thiếu nước, thiếu nguồn dinh dưỡng chất lượng an toàn cho cây trồng mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy đáng lo ngại như: sâu bệnh, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn... Việc  đánh bắt, thả nuôi thủy sản như cá đồng, tôm càng xanh mùa lũ ở vùng An Giang, Đồng Tháp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng xâm nhập mặn sâu vào ruộng đồng. Nguồn nước lũ như vành đai chống mặn xâm nhập các cánh đồng lúa nuôi sống người dân miền Nam và mang về kim ngạch xuất khẩu. Với tình hình nước kém như hiện nay, vấn đề mặn xâm thực không phải là một viễn cảnh xa xôi, mà ngay trước mắt khi mùa nắng tới. Tình trạng này đã diễn ra vào mùa lũ thấp năm 2015, và ngay sau đó sang đầu năm 2016 vùng đồng bằng này phải gánh chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến 10/13 tỉnh thành trong vùng phải công bố thiên tai, hơn 160.000 héc ta lúa bị thiệt hại.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến của thời tiết khí hậu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ khuyến cáo người dân nên tăng cường công tác trữ nước cho mùa khô sắp tới. Trong quy hoạch vùng, các ngành chức năng cũng cần tính toán khôi phục các vùng dự trữ nước vì nước cũng là vấn đề chủ lực trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế biến đổi khí hậu cho thấy sự thay đổi nguồn nước diễn tiến rất phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập thông tin và theo dõi sát sao  tình hình khí tượng thuỷ văn. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Lê Anh Tuấn, đề xuất: "Phải thay đổi sản xuất nông nghiệp hiện nay, không nên duy trì diện tích canh tác lúa quá nhiều, để phù hợp tình trạng hạn mặn đang đe doạ vùng đồng bằng. Tăng cường các mô hình sản xuất ít sử dụng nước. Chúng ta cũng nên nghĩ đến vấn đề làm sao gia tăng giá trị hàng nông sản. Thay vì sản xuất thật nhiều nhưng bán không có giá vì chủ yếu bán nông sản thô, chúng ta sản xuất ít hơn nhưng chất lượng cao, chế biến tốt thì sẽ bán được giá cao hơn"   

Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là một trong những đồng bằng đối mặt với nhiều nguy cơ khi biến đổi khí hậu. Những biểu hiện bất thường của mùa lũ năm nay cho thấy các nguy cơ này lại càng gần hơn, hiện thực hơn. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, từ chính bản thân người dân đến những chính sách chung cho cả khu vực, cần được thực hiện nhanh chóng và tích cực hơn. Có như vậy mới giảm thiểu những nguy cơ, và xa hơn là biến nguy cơ thành thời cơ hội.

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo