Kỳ 1: Tọa đàm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” - Thời sự 5g30 20/10/2019

(VOH) - Phụ nữ là để yêu thương đó là câu nói quen thuộc và cũng là quan điểm sống của nhiều đấng mày râu.

Phụ nữ là để yêu thương đó là câu nói quen thuộc và cũng là quan điểm sống của nhiều đấng mày râu. Thế nhưng không phải người chồng, người cha nào cũng làm được điều này. Xã hội vẫn còn đó những vụ bạo hành rúng động dư luận. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị đánh đập, hành hạ, thậm chí là đe dọa tính mạng ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vậy làm thế nào để bảo vệ phụ nữ và trẻ em an toàn trong xã hội? Đây cũng là chủ đề được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn năm 2019 là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, nhằm huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện, phát huy hết tiềm năng của mình. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hưởng ứng bằng những việc làm phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Đây cũng là chủ đề của tọa đàm: “An toàn cho Phụ nữ và trẻ em” do Phóng viên Phương Dung và Ngọc Bích thực hiện với sự tham gia của các vị khách mời: Bà Trần Hải Yến – Phó Trưởng Ban văn hóa xã hội, Hội Đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Thanh Loan – Trưởng ban Chính sách luật pháp - Hội Liên Hiệp Phụ nữ Thành phố; Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội Trưởng - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố. Mời quý vị cùng nghe kỳ 1 của tọa đàm qua đề dẫn của Phóng viên Ngọc Bích:

*VOH: Tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra và có những vụ việc chấn động cả xã hội. Trên địa bàn Thành phố, trong hơn 3 năm (từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2019) Cơ quan điều tra của TP đã khởi tố 340 vụ - 241 bị can về các tội xâm hại tình dục thì có tới 310 vụ - 220 bị can là các tội về xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng chú ý là trong số 220 vụ xâm hại tình dục trẻ em có bị can, thì số trẻ em gái bị xâm hại ở độ tuổi 12 - 15 chiếm tới 150 em, trong đó có 6 em ở độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Điều này cho thấy tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em không chỉ xảy ra ở những khu vực ngoại thành mà xảy ra ngay tại khu vực đô thị nhưng nhiều người trong cuộc vẫn cam chịu, im lặng, không dám tố cáo các hành vi đánh đập hay xâm hại. Xin hỏi Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đây có phải là lý do khiến cho tình trạng này vẫn liên tục xảy ra không?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Tình trạng bạo hành xảy ra rất nhiều nhưng người phụ nữ vẫn cam chịu vì danh dự trong gia đình và vì những đứa trẻ, họ sợ gia đình khiếm khuyết. Rồi vì hàng xóm, nơi làm việc dị nghị chính vì vậy người phụ nữ họ phải cam chịu. Còn về xâm hại thì gia đình phải thay đổi chỗ ở. Vì nếu xảy ra rồi mà để trẻ ra vào những nơi mà trẻ bị xâm hại sẽ làm trẻ nhớ lại và cái ký ức đau lòng của tuổi thơ nên người phụ nữ cũng không ra tố cáo. Thứ hai là giữa hai bên thường thương lượng, sau đó chuyển đi một chỗ khác. Mặc dù tuyên truyền chúng tôi có nói im lặng là tội ác.

*VOH: Thưa bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng Ban văn hóa Xã hội, Hội Đồng nhân dân Thành phố với vai trò giám sát, ngoài nguyên nhân là người trong cuộc im lặng, cam chịu không dám tố cáo các hành vi xâm hại, đánh đập như Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vừa đề cập còn nguyên nhân nào khác khiến cho tình trạng mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra?

Bà Trần Hải Yến: Hiện nay, nhận thức của các gia đình, cộng đồng: nhận thức gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ″ bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người.

Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ về quyền trẻ em. Vì các chất kích thích như rượu, bia, hoặc sự khó khăn về kinh tế, vv đều dẫn đến bạo hành trẻ em.

Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ.

Chính vì vậy, nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

*VOH: Qua các trường hợp vừa đưa ra và phân tích thì có thể thấy là cái nhận thức của phụ nữ và trẻ em về việc mình bị mất an toàn chưa cao, còn chủ quan, không biết rằng mình có thể là nạn nhân của những vụ việc như vậy. Và bên cạnh đó thì khả năng tự bảo vệ bản thân của phụ nữ và trẻ em cũng còn rất hạn chế. Đó là nguyên nhân chủ quan, còn về khách quan thì một số vụ bạo hành, dâm ô trẻ em thì nhiều người cho rằng, bản án dành cho các hành vi phạm tội còn chưa đủ sức răn đe vì vậy vẫn còn rất nhiều đối tượng tái diễn cái hành vi đó, bà Trần Thị Ngọc Nữ nghĩ sao về vấn đề này?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Việc bạo hành phụ nữ và trẻ em trong gia đình là hành hạ người khác thì trong bộ Luật  hình sự quy định tối da có 3 năm thôi. Giống như vừa rồi ở trường Mầm Xanh cô giáo bạo hành 23 em nhưng cũng chỉ xử mức tối da là 3 năm thôi. Chính vì vậy nó không đủ sức răn đe.  Hoặc vợ chồng khi đánh nhau cũng là hành hạ người khác, nhưng nếu cố ý gây thương tích trên 11% thì mới khởi tố người chồng tội cố ý gây thương tích, nếu dưới 11% thì mới khởi tố tội hành hạ người khác cũng mức hình phạt tối đa là 3 năm. Chúng tôi cảm thấy buồn vì trong luật có các tình tiết giảm nhẹ. Sắp tới chúng tôi đề nghị phải tăng mức xử phạt thì mới đủ sức răn đe. Luật pháp thì đã xử đúng người đúng tội nhưng chúng tôi bức xúc lắm và đã nhiều lần kiến nghị với Quốc hội, với Hội đồng Nhân dân Thành phố bên chị Hải Yến có nói về bạo hành trẻ em và cái tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì chúng tôi đề nghị đã phạm tội rồi thì không được hưởng án treo. Nên chúng tôi đề nghị đã có tình tiết giảm nhẹ thì phải tăng cái tội đó lên thì mới đủ sức răn đe.

*VOH: Có lẽ vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường đã không còn là mối lo lắng của riêng ai và đang có diễn biến gia tăng và ngày càng phức tạp, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Đặc biệt, là các cấp các ngành, các cơ quan chức năng. Theo bà Thanh Loan, với vai trò là Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, luôn sát cánh đồng hành cùng chị em phụ nữ, bà chia sẻ một vài suy nghĩ về những nguy cơ mất an toàn với phụ nữ và trẻ em hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan: Thực tế về bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em đang đặt ra những vấn đề hết sức đáng quan tâm, nhức nhối. Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên là chưa đủ so với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em xảy ra hiện nay. Từ năm 2017 đến 9 tháng năm 2019, các cấp Hội Liên Hiệp Phụ nữ Thành phố tiếp nhận 114 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình (năm 2017: 22 vụ; năm 2018: 48 vụ, 9 tháng năm 2019: 44 vụ), trong đó có 71 vụ liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Một trong những giải pháp thực hiện chủ đề này là: đẩy mạnh thực hiện mục tiêu “Hằng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời”, bên cạnh việc “lên tiếng kịp thời”, Hội Phụ nữ các cấp còn phải giám sát quá trình giải quyết vụ việc và hiệu quả can thiệp.

*VOH: Cùng với bạo lực gia đình đối với phụ nữ thì bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, nhất là đối với trẻ em gái cũng đang là một nỗi lo đối với các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh, thưa bà Trần Hải Yến trong bối cảnh Thành phố ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng, tác động không nhỏ đến tâm sinh lý của trẻ em, nhất là các lứa tuổi mới lớn, đang hình thành tâm sinh lý như học sinh trung học cơ sở. Vậy bà có quan điểm ra sao về phương pháp giáo dục học sinh nói chung trong công tác phòng chống bạo lực học đường?

Bà Trần Hải Yến: Đối với chúng tôi đó là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi vì chúng ta có thể dạy con em chúng ta rất kỹ, rất tỉ mỉ từng bộ phận trên cơ thể của con mình, nhằm giúp các cháu vệ sinh thân thể sạch sẽ. Nhưng có một điều mà phụ huynh lưu ý và cần thiết là dạy giới tính cho cháu. Thứ nhất là các cháu phải có sự hiểu biết để không tò mò về giới tính của mình. Thứ 2 là khi đã hiểu rõ rồi thì sẽ tự biết cách bảo vệ thân mình. Tôi mong vấn đề này phải có sự quan tâm của toàn xã hội để có chương trình giáo dục giới tính phù hợp.

Tôi thấy một điều đáng ghi nhận là các chương trình ngoại khóa ở một số trường đã tổ chức các buổi hướng dẫn thường xuyên cho các cháu, chứ không còn tổ chức 1 năm 1 lần. Tôi thấy đó là sự chuyển biến tích cực. Nhưng để đáp ứng được một cách bài bản, có một kết cấu chương trình khoa học thì chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy tôi hy vọng trong thời gian tới, sau những điều đáng tiếc xảy ra, những cái xấu, cái ác đang rình rập trẻ em. Chúng ta phải dạy cho trẻ em trai, trẻ em gái biết một cách kỹ lưỡng để các cháu biết tự bảo vệ bản thân mình. Và người lớn chúng ta cũng phải chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất để sau này chúng ta không phải ân hận nói rằng giá như một cách không đáng có.

Tôi thấy các đoàn thể, nhà trường cũng như gia đình đã quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính cho các cháu nhưng chưa có sự đồng bộ. Vì vậy chúng tôi tha thiết có một kiến nghị đối với Bộ Giáo dục, toàn thể xã hội và Trung tâm giáo dục kỹ năng nên có một chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi. Quan trọng hơn là để trẻ hiểu biết một cách đúng đắn về cơ thể của mình. Để mình không có sự tò mò, cũng như biết để yêu quý và tôn trọng bản thân mình, cũng như tôn trọng và yêu quý bạn bè khác phái hoặc cùng giới. Đó là điều mà chúng ta nên tiến hành cũng như cả gia đình, xã hội và nhà trường cần có sự hợp tác với nhau chặt chẽ để có một chương trình giáo dục giới tính tiên tiến phù hợp với tâm sinh lý của các cháu.

*VOH: Thưa quý vị! Dù ở thời đại nào, dù có phát triển đến đâu, dù ở thành thị hay nông thôn thì phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ. Ở đâu đó trong Thành phố của chúng ta vẫn còn những tiếng trẻ em bị xâm hại kêu cứu. Tiếng tuyệt vọng của những phụ nữ bị buôn bán, bị bạo hành. Gia đình với những tổn thương khó có thể lành lại. Rồi vẫn còn bức xúc của những bậc làm cha làm mẹ và của dư luận xã hội khi được thông tin về những vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục khiến mỗi chúng ta đều cảm thấy nhức nhối và đau lòng. Điều đó càng gióng lên hồi chuông cảnh báo xã hội lưu tâm, cùng vào cuộc để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này trong kỳ 2 của tọa đàm. Quý vị đón xem trong chương trình thời sự sáng mai.

Phương Dung - Ngọc Bích

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo