“Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” – Thời sự 5g30 16/10/2019

(VOH) - Trước khi trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành trung tâm tài chính thực thụ và hiệu quả của quốc gia.

Khoảng 45% GDP đến từ vùng Nam Bộ, cộng thêm cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long thì quy mô sẽ còn lớn hơn, đem lại giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI rất lớn… Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh cùng với các tỉnh khu vực Đông và Tây Nam Bộ có tốc độ phát triển cao, đây là điều cơ bản để hậu thuẫn cho thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, bởi nếu không có nhu cầu thị trường lớn, không có điểm kết nối nhu cầu với quốc tế thì rất khó để trở thành trung tâm tài chính. Do đó, tất cả những điều này giúp thành phố Hồ Chí Minh như điểm giao thoa giữa Đông và Tây Nam Bộ, là trung tâm, đầu mối để Trung ương thực hiện các chính sách phát triển quốc gia.

Tuy vậy, Thành phố phải đối mặt với sự cạnh trạnh gay gắt. Để xác thực tính khả thi về việc hình thành trung tâm tài chính, ngày 18/10 tới đây, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế thành phố 2019 với chủ đề “Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

Xung quanh diễn đàn này, phóng viên Lệ Loan phỏng vấn ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa ông, tại sao năm nay thành phố chọn chủ đề “phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”

Ông Chu Tiến Dũng: Sứ mạng của Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương giao trong nghị quyết của Bộ Chính trị xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế lớn là đầu tàu của cả nước; là nơi giao lưu thương mại quốc tế hàng đầu của cả nước cũng như khu vực. Để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thì chắc chắn tài chính là vấn đề mang tính huyết mạch trong nền kinh tế. Bất kỳ nơi nào, quốc gia nào, địa phương nào cũng muốn phát triển vấn đề tài chính, đầu tư… đây đều là những yếu tố có tính chất quyết định. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố cũng như nhiệm vụ trung ương giao, với vị trí sứ mạng của mình, lãnh đạo thành phố đã nhiều năm trước đây cũng đặt ra vai trò và chúng ta cũng đã quy hoạch cả những khu đô thị mới Thủ Thiêm để trở thành trung tâm tài chính.

Vì thế, kỳ này, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn tập hợp được các chuyên gia trong và ngoài nước. Và lãnh đạo thành phố cũng đã nghiên cứu, làm sao lắng nghe, tiếp thu được hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua diễn đàn này, thông qua các diễn giả, chuyên gia, để xác thực thêm tính khả thi của việc này, trên cơ sở khả thi đó sẽ nhận được sự đồng thuận cao của quốc gia cũng như của cả nước, giúp cho việc đẩy nhanh mục tiêu.

*VOH: Diễn đàn kinh tế kỳ này tập trung thảo luận những nội dung nào?

Ông Chu Tiến Dũng: Có 4 chủ đề chính, Một là hiện trạng, lộ trình và bước đi. Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm Tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm Tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền thành phố để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; Học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính đi trước khu vực thành công như như Thượng Hải, kể cả những bài học thành công và không thành công

*VOH: Những mô hình trung tâm tài chính nào sẽ được giới thiệu tại diễn đàn lần này?

Ông Chu Tiến Dũng: Chắc chắn sẽ có các chuyên gia đến đây chia sẻ. Thật ra hiện nay trên thế giới có hai mô hình trung tâm tài chính, một theo kiểu Mỹ và một theo Châu Âu. Hai cái đó có đặc thù khác nhau và chúng ta phải nghiên cứu để thích ứng cho phù hợp.

*VOH: Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công giảm, thành phố xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực. Như vậy càng ngày với sự phát triển của thành phố, doanh nghiệp đóng góp vào lĩnh vực tài chính như thế nào?

Ông Chu Tiến Dũng: Công cuộc đổi mới đất nước trong 30 năm qua, vai trò của doanh nghiệp đóng góp rất lớn trong hội nhập kinh tế thị trường, đóng góp cho Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước phát triển, đến nay là nước phát triển ở mức trung bình, đó là đóng góp rất lớn. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đóng góp cho GDP của cả nước chiếm gần ¼ với số lượng doanh nghiệp chiếm gần một nửa cả nước, vai trò đó rất quan trọng. Còn mức độ quan trọng như thế nào, vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp vào thu ngân sách của thành phố ngày càng tăng và có vai trò quyết định. Một, hai năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh gặp một vài chuyện làm cho nguồn thu từ bất động sản bị giảm sút. Dù vậy thu ngân sách của thành phố đóng góp cho Trung ương vẫn tăng. 1 năm tăng tới hơn 10%. Vì vậy phải nói rằng, nguồn thu chính vẫn là từ đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là thu nội địa. Mặt khác, với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, thành phố rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Vì thế cho đến nay, với số lượng tổng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố trên 400.000 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh nơi đây khá tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm vào để đầu tư tốt hơn.

*VOH: Xin cảm ơn ông

VOH

Bình luận

Đọc Báo