"Việc ủy quyền thường trực HĐND quyết định đầu tư công phải được cân nhắc" -Thời sự 11g00 12/11/2018

(VOH) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng nay, với trên 89% số phiếu tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Nghị quyết điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài.

Nghị quyết quy định về nguyên tắc cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Tập trung cho các dự án đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang thực hiện dở dang, thiếu vốn thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương; thanh toán các khoản nợ thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương đối với các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án ngân sách trung ương đang nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thanh toán theo tiến độ cam kết đối với một số dự án đối tác công tư theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội

Ảnh: quochoi.vn

Nghị quyết điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng) để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay. Giao Chính phủ bảo đảm cân đối nguồn vốn, xây dựng danh mục, dự kiến mức vốn cho các dự án cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng trong sáng 12/11, Quốc hội đã thảo luận tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, vấn đề xem xét thẩm quyền quyết định đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đầu tư công là đầu tư từ ngân sách của nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước là nhiệm vụ của HĐND. Giao quyết định đầu tư công cho thường trực HĐND không đảm bảo tính toàn diện.

"Ở TPHCM chưa có trường hợp nào bị vướng lại do HĐND không tổ chức họp được. Do đó không có lý giải vì kỳ họp HĐND ít giao cho thường trực HĐND. Đầu tư công là đầu tư từ ngân sách của nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước của nhiệm vụ HĐND…", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định đầu tư công cần phải được cân nhắc, cần bàn thêm về sự cần thiết của việc ủy quyền này.

"Thứ nhất là trách nhiệm thẩm tra giám sát của HĐ rất quan trọng và chặt chẽ. Có quy chế họp HĐ và thẩm định HĐ. Thế nếu giao thường trực theo quy chế nào? Theo tôi để đảm bảo vai trò của tập thể giám sát cần phát huy vai trò của HĐ. Những dự án đầu tư về địa phương quy trình tính bằng năm. Vậy giữa 2 cuộc họp 6 tháng mình thường có cuộc họp 3 tháng. Thì hoàn toàn đủ điều kiện thông qua bất kỳ chính quyền cần, nhất là với đầu tư công trung hạn…", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay khâu giải ngân của các dự án đầu tư công bị chậm so với việc vốn bố trí, thủ tục triển khai 1 dự án kéo dài, phải điều chỉnh liên tục dự toán. Việc điều chỉnh lần này cần hướng tới giảm các thủ tục trong đầu tư công nhưng cũng không dễ dãi.

Đóng góp vào Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vấn đề chống thất thu thuế được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Nguyễn Đức Sáu, ngân sách mỗi quốc gia đến từ nhiều nguồn, trong đó nguồn thuế rất lớn nên việc thu thuế và chống thất thu thuế là cần thiết. Phải áp dụng các biện pháp để tăng nguồn thu, thu đúng thu đủ. Trong dự thảo luật còn có nhiều quy định dễ dẫn đến vấn đề thất thu thuế.

"Thu thuế thì có quy định người nộp thuế phải kê khai lần thứ 1,2,3. Nhưng tôi có nghe được thông tin có trường hợp người kê khai thuế lần 1 đầy đủ danh mục, thế nhưng lần 2, 3 kê khai như lần đầu tiên, thì cũng có thông tin như vậy thì khỏi kê khai thì như  vậy nhà nước sẽ mất đi 1 khoản thu thuế đó", đại biểu Đức Sáu cho biết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, hiện có hơn 10 luật thuế, đề nghị ban soạn thảo có nghiên cứu kỹ các điều khoản, có điều chỉnh hợp lý, bảo đảm sự phối hợp giữa các luật này. 

Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo