Hướng đến phát triển đô thị bền vững ở TPHCM - Thời sự 11g 11/11/2018

(VOH) - TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế. 

Do vậy, TP đã trở thành là đầu tàu, là động lực, có sức hút, lan tỏa mạnh mẽ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế, sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội thì yêu cầu đặt ra cho TPHCM hiện nay là làm sao để phát triển đô thị bền vững hướng đến một đô thị thông minh, là nơi sống tốt, văn minh hiện đại nghĩa tình. 

TPHCM

Ảnh minh họa: Soha

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, song hành với sự phát triển kinh tế thì quản lý xã hội trong phát triển đô thị đặc biệt là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu để hướng đến sự phát triển đô thị bền vững. Vì có một thực tế của TPHCM cũng như cả nước là trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dù kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, song nhiều vấn đề xã hội còn hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội, làm cho dân không yên, không vui. Đây chính là phần lớn do vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong đô thị. Vì vậy, muốn quản lý xã hội hướng đến sự phát triển bền vững thì cần: "Thứ nhất là sự lãnh đạo của cấp ủy cần có chủ trương, chính sách đúng đắn. Thứ hai là phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Thứ ba là luôn tạo ra sự đồng thuận và giữ gìn lòng tin của nhân dân, tăng cường các biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và đối thoại".

Phân tích thêm những vấn đề xã hội còn hạn chế hiện nay, các chuyên gia đã chỉ ra, đó là tình trạng ngập nước, kẹt xe, nạn buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường, vứt rác bừa bãi, vi phạm giao thông, trộm cướp, sử dụng ma túy, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cùng nhiều tệ nạn xã hội khác vẫn còn. 

Bằng nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giảng viên Học viện cán bộ TP đã chỉ ra rằng, vấn đề di cư từ nông thôn đến thành thị đã kéo theo rất nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Trong đó, vấn nạn hàng rong chính là một thách thức không nhỏ của quản lý đô thị. Tại TPHCM, mỗi một khu vực, mỗi một  khu dân cư xuất hiện những người bán hàng rong với phương thức khác nhau. Đội ngũ bán hàng rong đã mang đến cho TP một dáng vẻ tấp nập nhưng cũng tạo ra bộ mặt nhếch nhác và nguy cơ tiềm ẩn trên phương diện môi trường, mỹ quan, trật tự đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm…Vì vậy, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển xã hội đô thị tại TPHCM hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách mà TP cần phải xây dựng các giải pháp để quản lý cho phù hợp. Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng, đề xuất, để giải quyết vấn đề hàng rong trong lòng đô thị cần phải có lộ trình và có cơ chế kiểm soát nguồn nhập cư để có những định hướng trong chính sách ổn định, sắp xếp và quy hoạch công việc phù hợp cho người nghèo nhập cư vào đô thị để họ an tâm kiếm sống: "Tôi cho rằng tất cả mọi hiện tượng nó tồn tại đều thỏa mãn những nhu cầu của xã hội. Và hàng rong nó thỏa mãn nhu cầu của người lao động nghèo nhập cư. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này. Và khi nó là nhu cầu thì chúng ta không thể cưỡng chế để cắt đi nhu cầu đó một cách áp đặt. Trong khi lực lượng di cư là lao động nhập cư từ các tỉnh thành khác đến TPHCM thì họ không có vốn, trình độ chuyên môn, tay nghề nghiệp vụ cho nên họ không thể đi vào các khu công nghiệp để trở thành người công nhân bán sức lao động của mình".
Nhận diện  thêm về vấn đề quản lý đô thị hiện nay, ông Tưởng Ngọc Tuân - Giảng viên Đại học Cảnh sát nhân dân cũng cho biết, TP là địa phương hiện có số người nghiện cao nhất cả nước với gần 23.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Chính vì vậy công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy cũng như công tác phòng chống hiệu quả sẽ góp phần giữ gìn an ninh trật đô thị, an toàn xã hội. Song, để làm được điều này cần phải thực hiện đồng bộ 6 giải pháp như là: tổ chức các hình thức cai nghiện phù hợp, phát huy cai nghiện tại gia đình, phát triển hệ thống cai nghiện bắt buộc, phát triển mạng lưới tư vấn chăm sóc và điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, tái hòa nhập và ngăn ngừa đấu tranh có hiệu quả về tội phạm ma túy. Cũng theo ông Tưởng Ngọc Tuân, điều không kém phần quan trọng là tránh sự kỳ thị, quản lý tốt nhân khẩu, con người, chủ động phát hiện đối tượng có biều hiện sử dụng ma túy để có biện pháp ngăn chặn kịp thời: "Nâng cao nhận thức của người dân. Đó là không kỳ thị, không xa lánh những người đã cai nghiện trở về cộng đồng. Đồng thời tạo ra những cơ hội cho họ tìm kiếm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Cần phải chỉ đạo công an phường, xã. Đây là lực lượng công an cơ sở là những người trực tiếp nắm địa bàn, nắm tình hình về con người. Họ sẽ kịp thời phát hiện được những đối tượng có biểu hiện và nghi ngờ sử dụng ma túy. Để từ đó có biện pháp, đưa ra hình thức xử lý cho hiệu quả".

Thực tế trong nhiều năm qua, TP đã xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững trên cơ sở phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này có thể chứng minh, TP hiện cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế, đảm bảo kinh tế có mức tăng trưởng khá. Mức sống của người dân được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người tăng. Vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi an sinh xã hội của người dân TP luôn được cải thiện. Để giải quyết bài toán khó về quản lý phát triển bền vững, cần nhất là củng cố sự đồng thuận của xã hội, trong đó tập trung vào sự chuyển đổi nhận thức, thái độ trách nhiệm của bản thân mỗi người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của TP. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề xuất: "Cần quản lý tốt những vấn đề của xã hội đô thị như là vấn đề trật tự đô thị, an toàn xã hội, an ninh , giải quyết công ăn việc làm, giải quyết đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cung cấp nguồn nhân lực cho TP. Vấn đề giáo dục về đạo đức xã hội để giúp cho TP quản lý tốt xã hội đô thị, những vấn đề của xã hội đô thị".

Đảm bảo an sinh xã hội chính là một trong những vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững mà TP cần phải thực hiện. Và đó cũng chính là tiền đề, là động lực để TP tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn./.

Mỹ Trang

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo