Trẻ em sáng tạo cho trường học tương lai - Thời sự 11g00 08/11/2018

(VOH) - Trẻ em nhạy cảm và luôn muốn khám phá thế giới xung quanh. Người lớn có thể giúp trẻ phát huy được tư duy sáng tạo, học hỏi và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho tương lai của chính các em?

Bài viết “Trẻ em sáng tạo cho trường học tương lai” do Phóng viên Thùy Linh thực hiện.

Mỗi người trong chúng ta, có bao giờ quên đẩy ghế gọn gàng, sau khi đã sử dụng. Có lẽ, điều đó rất dễ bỏ qua, vì không ai nghĩ rằng nó quan trọng. … Bỗng nhiên một ngày quen thuộc, bạn cũng vào quán cà phê và làm công việc đã cũ: cũng quên đẩy ghế vào sát bàn, sau khi đã đứng dậy. Thế nhưng, thật lạ lùng, tự nhiên âm thanh từ đâu phát ra, đèn sáng nhấp nháy. Người lớn hoang mang quá, không biết phải làm gì để dừng mấy thứ âm thanh ánh sáng kia. Bèn lấy tay đẩy ghế vào sát bàn, mọi âm thanh liền im bặt. Chuyện gì đã xảy ra? Thật ra, đó chính là một phần trong mô hình Future Cafeteria của nhóm học sinh cấp hai mà các em đang nghiên cứu. Gia Bảo và Thiên Phúc, là học sinh của Trường Trung học cơ sở Bàn Cờ, đã nghiên cứu cho căn tin của trường em mang tên Căn tin tương lai. Căn tin tương lai mà các em mong ước ra sao, chắc chắn là một căn tin thời 4.0: robot tự động nấu ăn theo công thức, băng chuyền chuyển, dọn dẹp, vệ sinh khay thức ăn, nhắc nhở học sinh để bàn ghế ngăn nắp, máy nước nóng tự động ngắt khi quá nóng…. 

Giáo viên Lê Tấn Phát, người trực tiếp hướng dẫn các em cho biết thầy cùng các em lên ý tưởng, cho các em thực hiện mô hình. Ở những phần linh kiện, thầy hướng dẫn các em ở chỗ khi mình dạy về các cảm biến, các em sẽ biết được những hoạt động của nó, hỗ trợ các em cách lập trình, tại vì chương trình học các em chưa được học về lập trình Arduino

Trường học trong tương lai chắc hẳn không thể thiếu những lớp học thông minh. Smart classroom – tên một ý tưởng sáng tạo của nhóm học sinh trường Ngô Thời Nhiệm. Ở đó, sĩ số học sinh chỉ vừa 30 bạn, được trang bị các công nghệ để phục vụ toàn diện các nhu cầu mà các em đang thiếu, ở lớp học truyền thống. Em Nam Anh, cho hay: “Lớp học của em có cửa cảm biến nhiệt. Khi nào có người đi vào cửa sẽ tự mở ra. Khi không có đủ ánh sáng trong phòng thì nó sẽ bật bảng lên để cho đủ ánh sáng để bảo vệ mắt cho học sinh. Công nghệ em sử dụng là cảm biến nhiệt và cảm biến ánh sáng. Em mong muốn mỗi trường học đều có những lớp học có thiết bị công nghệ để tránh tình trạng lãng phí điện và tiết kiệm điện năng”

 Dù cả trong tương lai và hiện tại, môi trường học đường phải là một môi trường lành mạnh, sạch sẽ, không có rác thải và ô nhiễm. Mỗi học sinh đều phải là những đại sứ môi trường, tự ý thức không xả rác, nhắc nhở mọi người cùng thực hiện. “Nỗi đau của rác”, là tên của một tác phẩm văn học tưởng tượng, do học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Tạo A sáng tác để kể câu chuyện về rác tái chế theo một cách rất riêng. Đó là quyển sách làm từ bìa các tông, minh họa bằng những chai, ly nhựa đã bỏ đi thành chậu trồng cây, đựng dụng cụ học tập. Các em hóa thân thành những chai, ly nhựa được sinh ra từ những nhà máy. Chai nhựa đến tay học sinh với bên trong là nước ngọt, nước suối. Sau khi sử dụng, có khi nó được bỏ vào thùng rác, cũng có khi quăng lăn lóc lề đường. Nhưng nếu được con người tái sử dụng vào những công việc khác, nó vẫn còn có ích. Phan Thị Hồng Yến, tác giả của ý tưởng trên, chia sẻ thông điệp: “Tác phẩm sách của tụi em là Nỗi đau của rác, tụi em mong muốn các bạn học sinh trong trường đối với rác, chúng ta phải bỏ rác sao cho trường được sạch đẹp hơn. Không những thế, mỗi tháng chúng em có những lần đi tuyên truyền về rác. Như rác hữu cơ, vô cơ cho các bạn hiểu thêm về vấn đề đó. Nâng cao ý thức cho các bạn trong việc xả rác ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe như thế nào”

Đây chỉ là ba trong số 21 mô hình Thành phố thông minh và thân thiện với trẻ em, từ dự án Trẻ em sáng tạo do UNICEF Việt Nam, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - SIHUB, Sở Khoa học và Công nghệ TP và Trường giáo dục Kỹ năng và Tư duy sáng tạo cho Trẻ em Arkki tại Việt Nam thực hiện. Mục đích để lắng nghe suy nghĩ và ý tưởng của các em học sinh cho thành phố của ước mơ của mình và cho mọi người. Và với những ý tưởng, những ước mơ của trẻ em, người lớn có cảm thấy bất ngờ? Giáo viên vật lý của Trường Trung cơ sở Tân Tạo A, Mai Dung, cho biết: “Mình cảm giác người lớn chúng ta suy nghĩ chưa thấu đáo. Trẻ con có những suy nghĩ riêng của chính trẻ. Đôi lúc những suy nghĩ đó lại rất hợp lý là đằng khác, rất thông minh. Mình làm câu lạc bộ ở trường cũng luôn khuyến khích các bạn phát triển ý tưởng”

Còn ông Lê Viết Đạt, Giám đốc dự án của tổ chức Arkki Đông Nam Á bày tỏ, với vai trò hỗ trợ đội ngũ giáo viên cho các em, những người đã có phương pháp giáo dục của Phần Lan, đã hiểu sâu sắc về tư duy sáng tạo của trẻ, nhưng đã hoàn toàn bị bất ngờ với các ý tưởng của các em tại Việt Nam: “Nhiều khi ý tưởng của các em nó quá đơn giản nhưng lại quá hợp lý. Ví dụ, cách mình xây dựng đường nó làm sao có thể thuận tiện nhất có thể. Nhưng các em nói khác, chỉ có một con đường thôi, nó chạy vòng quanh. Để làm gì? – để các em ở giữa có thể chạy được xa nhất mà không phải băng qua đường. Không gian đó có nhiều công viên, nhiều mảng xanh hơn. Nó đơn giản đến mức như vậy, nhưng nó hợp lý. Chính trẻ em lại là người đưa ra câu trả lời: đừng nghĩ gì cả, cứ làm đi, cứ thử để tạo ra một sản phẩm tốt, để biết mình đúng hay sai và tạo ra sản phẩm tiếp theo. Còn người lớn lại muốn nghĩ ra là đúng luôn, và sợ sai”

VOH

Bình luận

Đọc Báo