Bỏ quy định về bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức

(VOH) - Ngày 18/10, Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó không còn qui định nội dung bồi dưỡng về tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Nghị định 89/2021/NĐ-CP (gọi tắt là nghị định 89) ban hành ngày 18/10/2021 sửa đổi Nghị định 101/2017/ NĐ-CP hiện hành (gọi tắt là nghị định 101) về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2021.

Theo đó, các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, phải ban hành chương trình trước ngày 1 tháng 7 năm 2022.

Về Nội dung bồi dưỡng

Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 89 (sửa đổi Điều 16 của Nghị định 101) về Nội dung bồi dưỡng có 4 nội dung sau:

1/ Lý luận chính trị.

2/ Kiến thức quốc phòng và an ninh.

3/ Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.

4/ Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

So với qui định tại Nghị định 101 hiện hành không còn nội dung (thứ 5) là tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Như vậy, công chức viên chức không còn phải bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ nữa.

Về Chương trình tài liệu bồi dưỡng, thời gian bồi dưỡng

Nghị định 89 cũng điều chỉnh Điều 17 Nghị định 101 qui định về chương trình tài liệu bồi dưỡng gồm 7 loại sau:

1. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị:

2. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh:

Hai chương trình này có tài liệu bồi dưỡng cho hai loại đối tượng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý và theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

3. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, gồm 3 loại: ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp:

- Đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 04 tuần;

- Đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần;

- Đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thời gian thực hiện tối đa là 08 tuần.

So với Qui định tại nghị định 101 hiện hành là thời gian thực hiện bồi dưỡng tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần (không qui định rõ thời gian cho từng loại ngạch).

Cũng so với Qui định Nghị định 101 hiện hành thì không Nghị đinh 89 không còn nội dung “Chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch cán sự và tương đương”.

4. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần. (Qui định hiện hành của Nghị định 101 thời gian thực hiện bồi dưỡng tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần.)

5. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm

Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, thời gian thực hiện tối đa là 02 tuần, gồm 4 loại sau:

Đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương;

Đối với lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương;

Đối với lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương;

Đối với lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương.

6. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ (nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung), thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 01 tuần.

7. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, thời gian thực hiện mỗi chương trình tối đa là 01 tuần.

Nghị định 89 cũng nêu rõ các cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

Theo Qui định hiện hành có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức:

Loại thứ nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý (được thực hiện trước khi bổ nhiệm).  

Loại thứ hai là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức (đây là điều kiện bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp), bao gồm: chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Loại thứ ba là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm. Theo quy định, chứng chỉ này không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức, viên chức. 

Ngày 11/6/2021, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNV đã chính thức bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư từ ngày 01/8/2021.  

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Đối Tượng Nào Được Ưu Tiên Cộng Điểm Trong Thi Tuyển, Xét Tuyển Công Chức?

>>>> Từ 25/12/2019 Miễn Tập Sự Cho Công Chức Cấp Xã Đủ Điều Kiện

>>>> Quy Định Mới Về Tuyển Dụng Công Chức, Viên Chức Áp Dụng Từ Năm 2019

>>>> Nghỉ Hưu Sớm Do Mất Sức Lao Động, Cần Điều Kiện Gì?l

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo