Bị án tù treo có bị mất quyền công dân không?

(VOH) - Bị án tù treo có bị mất quyền công dân, có bị hạn chế các quyền như tù treo không? bị cải tạo không giam giữ có giống như tù treo không?

Sự kiện: tư vấn pháp luật

Thư độc giả có nội dung sau: Người thân của tôi bị án tù treo 3 năm, như vậy xin hỏi người bị tù treo có mất quyền công dân không? Có bị hạn chế gì khác khi đi lại, làm việc, xin giấy tờ tại địa phương… hay không?  Xin hỏi thêm khi bị cải tạo không giam giữ thì có giống như tù treo không? (có bị hạn chế …như tù treo không)

Luật sư Nguyễn Thế Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) tư vấn,

Trước hết xin nói về quyền công dân. Theo nguyên tắc đặt ra tại Hiến Pháp 2013, kế thừa tinh thần của các bản hiến pháp trước đó, quyền công dân là quyền cơ bản của con người, là quyền mà mọi cá nhân đều được hưởng. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tiếp theo là quy định về án treo. Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo, thì án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Cụ thể, thì bạn hỏi là người bị án tù treo có mất quyền công dân hay không, xin trả lời như sau:

Việc tước một số quyền công dân được quy định tại Điều 44, BLHS 2015, theo đó thì khi công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm khác trong những trường hợp do BLHS quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

-Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

-Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Về thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1 năm đến 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Người bị án treo có thể phải nhận thêm hình phạt bổ sung, theo quy định tại khoản 3, Điều 65 BLHS 2015. Trong khi đó tại Điểm d, Khoản 2, Điều 32 BLHS 2015 có quy định về nội dung hình phạt bổ sung, là tước một số quyền công dân.

Vậy, một người bị án treo, nếu bị áp dụng hình phạt bổ sung khác, thì sẽ bị tước đoạt một số quyền công dân chứ không phải mất toàn bộ quyền công dân.

Đối với hình thức cải tạo không giam giữ là một hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cải tạo, giáo dục tại nơi làm việc, học tập, cư trú dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập hoặc của chính quyền địa phương nơi họ cư trú.

Cũng theo nguyên tắc như đã phân tích, hưởng án treo hay phạt cải tạo không giam giữ, việc có chịu hình phạt bổ sung theo đó tòa án tước một hoặc một số quyền công dân, tùy thuộc vào hành vi phạm tội của người phạm tội thực hiện. Nếu không rơi vào những trường hợp đặc biệt thì quyền công dân của người phạm tội sẽ không bị tước đoạt. 

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Phạm Nhân Được Gọi Điện Thoại Cho Người Nhà Hay Không?

>>>> Trường Hợp Nào Thì Lái Xe Gây Tai Nạn Giao Thông Bị Phạt Tù ?

>>>> Thủ Tục Xin Tha Tù Trước Thời Hạn Như Thế Nào?

>>>> Cảnh Sát Giao Thông Được Dùng Hình Ảnh Trên Mạng Xã Hội Để Xử Phạt Vi Phạm

>>>> Bị  Giam Bằng Lái Xe, Có Thể Thi Làm Bằng Lái Mới ?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo mới