Các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính
Ngân hàng Nhà nước ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát trong quý 1 năm 2019. Tình hình tài chính tiền tệ khá ổn định, tín dụng tiếp tục đà tăng của năm 2018. Đến thời điểm này, tín dụng tăng ở mức ổn định. Thanh khoản thị trường cũng dồi dào. Từ tháng 12 năm ngoái, dòng vốn đã bắt đầu quay trở lại, các ngân hàng bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước bơm tỷ đồng ra để mua ngoại tệ. Cùng với đó, lãi suất đã bắt đầu ổn định trở lại. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn trước tết theo mùa vụ nhưng nay đã có kế hoạch giảm lãi suất huy động vốn để giảm áp lực thanh khoản.
Theo ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, thanh khoản sẽ ổn định và tốt dần lên. Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14% như năm 2018. Qua diễn biến quý 1 vừa qua, thanh khoản tốt. Trong 3 tháng gần đây, tỉ giá liên tục ổn định và cũng sát với tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước. Tín dụng phù hợp với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hà cũng lưu ý: “Năm nay, tín dụng vẫn tiếp tục chính sách trong nhiều năm trở lại đây về chống đô la hóa. Tín dụng ngoại tệ vẫn tiếp tục cắt giảm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tư 42, trong đó, sẽ cắt giảm tương đối mạnh các nhu cầu vay ngoại tệ. Tóm lại, chỉ có xuất khẩu và vay ngắn hạn mới được sử dụng ngoại tệ. Tinh thần đó, tín dụng chung vẫn giữ mức 14% như năm ngoái, nhưng đặc biệt ngoại tệ sẽ cắt giảm”.
Về lãi suất, xét về yếu tố trong nước và quốc tế cho thấy năm nay vẫn giữ mức ổn định, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có sự phân biệt giữa lãi suất đầu ra, lãi suất cho vay, giữa đối tượng khách hàng khác nhau: “Trong năm vừa qua, trái phiếu doanh nghiệp khá là sôi động, mặc dù ở mức thấp nhưng sôi động hơn trước, đặc biệt ở các định chế tài chính, không những của OCB, Techcombank… Đây có lẽ là cách để người ta phát triển kinh doanh của mình. Với cách định hướng như vậy, tôi cho rằng về cơ bản, tình hình chung, trong nước cũng như quốc tế như hiện nay thì tôi tin rằng, lãi suất năm nay sẽ ổn định”.
Khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm tăng trưởng tín dụng, trong chiến lược kinh doanh, các ngân hàng thương mại như OCB đã có sự chuẩn bị từ 4-5 năm trước đó để bắt nhịp với thay đổi kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp đặt trần tăng trưởng tín dụng cho cả hệ thống và từng ngân hàng. Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, đó là biện pháp buộc phải thực hiện để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển bền vững. Thế nhưng về mặt kinh doanh, ngân hàng này cần một chiến lược phù hợp. Chẳng hạn năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng giảm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, thì những ngân hàng thương mại phải có những sản phẩm khác thay thế. Mặt khác, nhu cầu vốn trong thị trường luôn có và chỉ có 8% vốn trái phiếu. Trong đó, ngân hàng có vai trò kết nối quan trọng cho hoạt động trái phiếu doanh nghiệp.
Năm qua, OCB tăng trưởng tín dụng 19% trong mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ngân hàng này thu xếp nguồn vốn, từ vốn nước ngoài, vốn trong nước cho việc phát hành trái phiếu và tăng vốn cho một số doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng để phục vụ nhu cầu ngoại tệ. Nếu so sánh tương đương với tăng trưởng tín dụng thì mức tăng cũng ít nhất từ 6-7% bao gồm: trái phiếu doanh nghiệp phát hành trực tiếp cho các nhà đầu tư riêng lẻ, cổ phiếu tăng vốn thông qua mua bán sáp nhập M&A với doanh nghiệp nước ngoài: “OCB là một trong những ngân hàng chuẩn bị hệ thống quản lý rủi ro của mình cách đây 5 năm và hoàn tất toàn bộ cơ sở hạ tầng trước 1 năm so với nhà nước công nhận. Thế nhưng một mình OCB không quan trọng, quan trọng nhất là cả bối cảnh nền kinh tế, cả hệ thống thị trường tài chính tiền tệ phải ổn định thì OCB mới có thể phát triển được. Do đó hơn ai hết chúng tôi hiểu tác động duy trì chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong mấy năm nay, và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm tốc tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi chỉ tăng mức độ nhất định trong mức vốn có thể, chứ không thể cứ tăng vốn mãi. Ngân hàng thì có những mục tiêu khác nhau, ví dụ ngoài tăng trưởng ra, chúng tôi vẫn phải đảm bảo ROE (lợi nhuận trên vốn) trên 25%/năm. Vốn tăng vừa phải và phải tăng ở mức sinh lời của tài sản, phân bổ tài sản cho hợp lý và quản trị rủi ro một cách thích ứng”.
Trong bối cảnh Việt Nam hạ tốc tăng trưởng tín dụng và định hướng giảm dần gánh nặng đặt trên hệ thống các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh phát triển thị trường vốn mà vẫn đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Vấn đề đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp vừa và lớn phát hành được trái phiếu doanh nghiệp một cách lành mạnh. Trong khi hiện nay thị trường trái phiếu ở Việt Nam chưa phát triển nhiều, các doanh nghiệp vẫn chưa huy động được nhiều vốn thông qua kênh trái phiếu. Theo ông Phạm Văn Thinh – Tổng Giám đốc Dloitte Việt Nam, nguyên nhân cơ bản chính là lòng tin. Nếu so sánh trái phiếu với các khoản vay ngân hàng thì trái phiếu có rủi ro cao hơn. Rủi ro về mặt tài sản đảm bảo, thanh khoản, độ tín chấp, niềm tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Thinh cho rằng, tính minh bạch vẫn chưa thực hiện tốt: “Còn cản trở rất lớn nữa ở trong nội lực bản thân chúng ta, thực sự chúng ta có muốn minh bạch hay không. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, các công ty liên quan, và một vấn đề rất nhạy cảm là các doanh nghiệp trong nước. Bởi vì nếu mình áp dụng AFAS vào các doanh nghiệp nhà nước thì thực trạng doanh nghiệp như thế nào khi mà chúng ta báo cáo thực sự về tài sản, kinh doanh của doanh nghiệp thì lúc đó bức tranh về tình hình các doanh nghiệp trong nước sẽ như thế nào, phải có thời gian chuẩn bị cho điều ấy vì rõ ràng, hai điều ấy hoàn toàn khác nhau”.
Tuy nhiên, minh bạch trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong thu hút vốn và mở cửa nền kinh tế. Để làm được cũng cần có lộ trình phù hợp, chuẩn bị con người, chính sách, cơ sở hạ tầng theo chuẩn mực… Trong quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo các ngân hàng thương mại, cần tưởng thưởng cho doanh nghiệp đã áp dụng chuẩn mực, thông qua kênh truyền thông khác nhau tác động đến nhận thức của nhà đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong quá trình phát hành vốn và kinh doanh trên thị trường, tạo hiệu ứng cho những doanh nghiệp khác.