Kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn - Thời sự 5g30 06/11/2019

(VOH) - Từ hôm nay đến ngày 8/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Với nội dung chất vấn 4 bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Nội v và Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu kỳ vọng phiên chất vấn với tinh thần thẳng thắn góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tế hiện nay đáp ứng mong muốn của đại biểu và cử tri.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn chất vấn. Nội dung chất vấn dự kiến về các vấn đề chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản, thủy sản... Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyếtđoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa rớt giá hay giải cứu nông sản: “Tôi nghĩ rằng cần có biên pháp làm sao tránh tình trạng lâu lâu phải cứu một mặt hàng nào đó, ở đây chúng ta đảm bảo sản xuất như thế nào để nông sản của chúng ta có thể đến được nhiều thị trường và không phải chỉ phụ thuộc một thị trường cụ thể nào đó”.

Nhóm vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là lĩnh vực Công Thương tập trung vào công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Bình Thuận muốn chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về giải pháp cải thiện điều kiện hạ tầng để phát huy hiệu quả của hệ thống điện năng lượng mặt trời: “Tôi quan tâm đến điện năng lượng mặt trời, Hiện nay địa phương chúng tôi phát triển điện năng lượng mặt trời. tuy  nhiên hệ thống truyền tải điện chưa có đáp ứng yêu cầu để thực hiện truyền tải điện vào điện lưới quốc gia nên phát triển điện năng lượng mặt trời ở địa phương đang có khó khăn nhất định. tôi cũng sẽ có chất vấn và đề nghị Bộ trưởng có tháo gỡ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động điện năng lượng mặt trời cho tốt và hiệu quả hơn, góp phần vào điện lưới quốc gia”.

Theo một số đại biểu, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có nhiều nội dung làm nóng diễn đàn Quốc hội . Theo đó, các vấn đề về sắp xếp tinh gọn bộ máy công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo; Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là những nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, cho biết: “Tôi quan tâm ván đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đó là linh vực hiện nay việc sắp xếp lại bộ máy tinh giản biên chê. Trước đây có ai nói 30% cắp ô đi cắp ô về, điều đó là chính xác. Tinh giản biên chế phải vào những đối tượng này mới hiệu quả  chính xác. Chứ còn hiện nay chúng ta mới chỉ tinh giản theo cách hạn chế đầu vào...”.

 

Dự định sẽ chất vấn  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác quản lý Nhà nước phòng chống những thông tin xấu, độc, tin không đúng sự thật trên mạng xã hội; vấn đề quảng cáo, bán hàng trên môi trường mạng; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.... đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi quan tâm đến vấn đề hiện nay những tin đăng tải trên mạng xã hội, tin đồn thất thiệt không đúng sự thật, xuyên tạc nói xấu. Với những tin này, trách nhiệm vai trò của ngành quản lý nhà nước cũng cần có làm sao khắc phục triệt để để hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin trên mạng xã hội không đúng thực tế gây hoang mang, tâm lý lo lắng, ngán ngại không phân biệt trắng đen thật giả của người dân, đây là một triệu chứng nguy hiểm nên Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông cần có giải trình , giải thích và thông tin cho người dân biết”. 

Nhiều đại biểu mong muốn cùng với sự đổi mới của Quốc hội về hình thức và nội dung chất vấn, trong đó đặt câu hỏi, nêu vấn đề trực tiếp với các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó dành nhiều thời gian để chất vấn và lấy nội dung chất vấn làm trọng tâm thay vì giành thời gian để tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Cùng suy nghĩ này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên mong muốn phiên chất vấn phải là phiên tranh luận, đối thoại giữa Bộ trưởng và đại biểu quốc hội: “Chúng tôi cũng mong muốn cần có nhiều thời gian hơn để các đb làm rõ vấn đề mà mình quan tâm. Các đại biểu cũng hãy dành thời gian cho tranh luận, mà tranh luận thì chỉ tranh luận với Bộ trưởng, tránh tranh luận qua lại giữa đại biểu với nhau, như vậy nó không đúng thực chất phiên chất vấn. hy vọng phiên sắp tới chúng ta sẽ thấy được sự thẳng thắn, tranh luận quyết liệt, dân chủ, để làm rõ vấn đề”.

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu kỳ vọng phiên chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được những vấn đề đặt ra, đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể để triển khai trong thời gian tới.

Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo