Tọa đàm Quyền trẻ em và các vấn đề liên quan (kỳ 2) - Thời sự 5g30 3/11/2019

(VOH) – Từ vụ việc giáo viên có những hành vi phản giáo dục đối với học sinh đang được dư luận quan tâm, Đài TNND TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Quyền trẻ em và các vấn đề liên quan".

Trong phần 1 của tọa đàm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi Hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng ban Phổ biến, giáo dục pháp luật - Hội Luật gia TPHCM; Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Đại cương Học viện Cán bộ TPHCM đã có những chia sẻ về những những hành vi không thể chấp nhận được xảy ra tại trường tiểu học Phan Chu Trinh, hậu quả lâu dài mà bạo hành để lại cho trẻ cũng như những cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi trẻ em tại TPHCM.

Trong kỳ 2 của tọa đàm, các vị khách mời sẽ phân tích, bàn luận thêm về sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như các biện pháp xử lý đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

*VOH: Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ có chia sẻ thời gian qua Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em. Bà nhận thấy những vụ việc này có điểm tương đồng, khác biệt như thế nào so với vụ việc xảy ra tại trường tiểu học ở quận Tân Phú vừa qua, thưa bà?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Đa số các vụ việc mà chúng tôi xử lý chẳng hạn ở quận 12 trường mầm non Mầm Xanh, ở huyện Bình Chánh trường Ánh sao vàng và các trường ở Gò Vấp, Hóc Môn..., các nhóm trẻ tư thì đa số những vấn đề mà các nhà trẻ bộc phát lên là không có giấy phép, tức là các cô về hưu lập nhóm giữ trẻ, có nghiệp vụ sư phạm nhưng mà ở đây có điểm tương đồng là các cô đa số nóng lên đánh các em do biếng ăn, các em không ngủ ngoan hay các em mọc răng không chịu ăn, nóng sốt. Còn các em lớp 1 có thể là thứ bảy, chủ nhật đi chơi, thứ hai chưa kịp học bài, giống như ở trường Phan Chu Trinh ở quận Tân Phú, chúng ta thấy điểm tương đồng là vì các em lười học bài, viết chữ xấu cũng như các em viết chữ không theo ý cô. Còn điểm khác biệt ở đây là cái gì? Thí dụ trong ngành sư phạm, đa số cô giáo sau khi đánh trẻ, chúng tôi hỏi tại sao chị đánh bé nhỏ đến nổi gãy xương hàm luôn, chị mới nói mới đưa bà già đi khám bệnh, biết mẹ bị ung thư, căng thẳng quá, thứ hai là phát hiện con mình bị tay chân miệng nên khi đánh học sinh không để ý có đeo nhẫn vô tình đánh bé gãy xương hàm.

Đó là bộc phát nhất thời, chứ không phải bản chất cô giáo là xấu, thứ hai đa số cô khi đánh các em, không có tính đánh liên tục như vậy mà ngay lúc có em đang ngậm cơm, thì tán một cái nên xui cho em đó, dính cơm ngay mắt, mũi, không thấy đường, không thở được, các cô mới nắm tóc xử lý thì vô tình bị hàng xóm quay lén được các em khóc. Đa số chúng tôi đã có tọa đàm, có giảng viên tâm lý để xuống hướng dẫn các cô rất nhiều lần, chẳng hạn Tân Phú, chúng tôi đã làm phiên tòa giả định, như vụ ở Thủ Đức, các cô nhấn các em vào thùng nước, dùng bản án có thật, chúng tôi thay đổi tên tuổi nhân vật, diễn lại tại phiên tòa giả định.

Hội chúng tôi đã tuyên truyền giáo dục đến các giáo viên ở trường học trong giờ nghỉ giải lao, thứ bảy và chủ nhật và trong các khu phố, cũng rất hiệu quả. Sắp tới đây về vấn đề dâm ô, có luật mới rồi chúng tôi sẽ tập huấn cho giáo viên thể dục. Thường thường các em gái đứng không ngay thẳng, thầy thể dục chỉnh sửa mông các em thì các em về nói ba mẹ phụ huynh là thầy sờ mông em, nhưng thực sự thầy có ý tốt muốn chỉnh lại thế đứng của các em, hành động đó lại phạm luật. Nên điều chỉnh lại rất là khó, cho nên hội chúng tôi luôn luôn cập nhật, và chúng tôi làm theo các cấp độ mà hội bảo vệ trẻ em cho phép, tức là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, tránh điều gì đó xảy ra với các em. Vì các em còn nhỏ, các em chưa hiểu biết gì hết. Và nếu bạo hành các em thì sau này tương lai sang chấn tâm lý các em nhớ hoài nên đây là vấn đề mà chúng tôi cần các cơ quan ban ngành phối hợp với chúng tôi để làm tốt việc này, nhất là cơ quan điều tra, công an, tức là phải làm cho mọi người thấy, nhanh chóng xoa dịu dư luận. 

Thứ hai là phụ huynh, bản thân họ cảm thấy con mình được thương yêu, con được chăm sóc, bảo vệ. Vì năm 2019, chúng ta đã phát động năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thành ra bây giờ trẻ em lại vướn vào vấn đề này nữa, thành ra chúng tôi đau lòng, bức xúc lắm, mà hội chúng tôi làm hết cách rồi, mong rằng các cơ quan đoàn thể phối hợp với chúng tôi: ai vi phạm với trẻ em là xử lý nặng, xử lý ngay, để tất cả chúng ta thấy rằng phát động là có ý nghĩa, mình thực hiện, thực thi đúng pháp luật.

*VOH: Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ có nhắc tới vai trò của hiệu trưởng, có rất nhiều trường hỗ trợ rất tốt cho các cơ quan, ban ngành trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ như qua vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh khiến nhiều người đặt câu hỏi vai trò, trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường ở đâu khi để học sinh bị đánh trong thời gian dài như vậy?, phải đến khi có clip bằng chứng mới đưa ra biện pháp xử lý đối với giáo viên. Thưa Tiến sĩ Linh Trang, vai trò của Ban giám hiệu trong trường hợp này là như thế nào, thưa bà?

Tiến sĩ Linh Trang: Tôi tiếp xúc rất nhiều anh chị làm giám hiệu các trường, nói thật là đa phần họ thật sự rất là tâm huyết với công việc của mình. Như cô Nữ có chia sẻ là gần như năm nào cũng vậy, các ban giám hiệu có mời tôi với vai trò chuyên gia tâm lý xuống nói chuyện với thầy cô, nói chuyện không phải để triển khai đạo đức nghề nghiệp mà là đội ngũ của họ muốn được chia sẻ, giảm thiểu căng thẳng trong công việc. Chứ không phải nắm quy định này nghị định kia, mà là mỗi con người họ nhận thức như thế nào về nghề nghiệp và thái độ của họ như thế nào. Như tôi thấy đa phần ban giám hiệu rất là quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, trong công việc thực tế, khi làm lãnh đạo quản lý, chúng ta cũng nhìn nhận lại là cái nghề lãnh đạo quản lý không phải là nghề dạy học, nhưng mà những người trong ban giám hiệu lại xuất phát từ nghề dạy học. Khi trống ghế một hiệu phó thì người ta đề nghị một giáo viên dạy giỏi của trường đó lên trên để làm ban giám hiệu, mà muốn làm giáo viên phải tối thiểu học trường sư phạm 4 năm, mà cái nghề làm ban giám hiệu thực sự họ chưa được đào tạo một cách chính quy, bài bản.

Cho nên trong việc thực hiện quy trình lãnh đạo quản lý, từ việc đưa ra mục tiêu, kế hoạch, phương hướng cho đến phân công công việc, cho đến giải quyết vấn đề phát sinh, mâu thuẫn nội bộ, sử dụng các nguồn lực trong nhà trường…thì tất nhiên họ cũng được đi học cách quản lý giáo dục nhung mà họ học khi đã làm lãnh đạo quản lý. Và như vậy trong quá trình thực hiện quy trình đó, nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân từng cá nhân con người làm nghề ban giám hiệu này là họ có đầu tư cho bản thân là họ tự rèn luyện. Ngày xưa là kỹ năng dạy học, bây giờ là kỹ năng quản lý con người thì họ có rèn luyện hay không? Cho nên ở cương vị này, có nhiều anh chị làm tốt do họ có tố chất hoặc họ tự đào tạo, rèn luyện bản thân mình. Nhưng còn lại thì cũng có những người, họ làm một cách theo bản năng cũng có, nghĩa là tới đâu thì xử lý tới đó. Cho nên đôi khi chính ban giám hiệu là những người họ không lường trước được là sẽ có nhũng tình huống này và nó lan tỏa ra ngoài xã hội. Họ không lường được sự phát triển của xã hội, sự phát triển của truyền thông, của mạng xã hội, họ không lường được trình độ dân trí đã đến như thế nào, và khi có sự cố thì xử lý khủng hoảng làm sao, họ không lường được, và họ trông chờ cấp trên yêu cầu giải quyết. Cho nên có những anh chị tự đầu tư bản thân về năng lực lãnh đạo quản lý nhà trường, rồi cộng họ có tâm nữa thì công việc kiểm tra, giám sát của họ trong nhà trường sẽ hiệu quả hơn.

*VOH: Nói về những văn bản hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, từ cấp sở đến cấp phòng GD&ĐT, đến các trường hiện nay đều triển khai rộng rãi nhưng có những trường hợp cá biệt vẫn phạm lỗi như vụ việc đau lòng vừa xảy ra. Với “những lỗi” liên quan đến bạo hành trẻ, vi phạm đạo đức nghề giáo sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường?

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Nãy giờ chúng ta cũng bàn luận nhiều về pháp luật cũng như khía cạnh đạo đức như thế nào thì chúng ta cũng xác định rõ là giáo viên phải có chuẩn mực nhất định. Ở đây nếu trong trường hợp chị vi phạm đạo đức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiêm hình sự hay là chưa đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính thì lúc đấy ban giám hiệu nhà trường sẽ có những động thái chấn chỉnh.

Còn trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành về mặt hình sự. Ví như luật sư Ngọc Nữ có chia sẻ một số tội như bạo hành, cố ý gây thương tích cho trẻ thì lúc đấy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh có liên quan. Còn nếu chưa đủ yếu tố cấu thành hình sự thì sẽ có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Nhưng mà chúng ta cũng phải đặc biệt lưu ý rất là dễ để có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp đánh đập trẻ, cho dù là dưới 11% nhưng mà đối tượng bị bạo hành là trẻ em, đối tượng bị bạo hành là người bị lệ thuộc vào mình thì rõ ràng trong trường hợp này vẫn đủ yếu tố để xử lý về mặt hình sự. Vì vậy, những giáo viên cần phải lưu ý trong trường hợp có hành vi hay ý định đánh đập, hành vi bạo hành trẻ rất dễ để có thể bị khởi tố về mặt hình sự.

*VOH: Sau vụ việc đau lòng xảy ra tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TPHCM. Có thể nói, có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho ngành giáo dục, Đài TNND TPHCM - VOH sẽ tiếp tục đồng hành cùng thính giả và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những vấn đề mà người dân Thành phố quan tâm hiện nay thông qua làn sóng của Đài.

Xin được cám ơn các vị khách mời đã tham gia tọa đàm và có những chia sẻ giúp thính giả hiểu rõ hơn về quyền trẻ em, những hành vi nên và không nên thực hiện đối với trẻ em.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo