Cụ thể, đến năm 2025, tỉ lệ chôn lấp rác chỉ chiếm khoảng 25%, 75% rác thải còn lại sẽ chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. Do đó, Thành phố yêu cầu nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ là tất yếu. Và các doanh nghiệp xử lý rác đã và đang tích cực thực hiện chủ trương này.
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công Ty TNHH Xử Lý Chất Thải Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, quy mô phát triển kinh tế, dân số của thành phố Hồ Chí Minh sẽ không ngừng gia tăng. Do đó, khối lượng rác thải cũng sẽ tăng, yêu cầu xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố càng được chú trọng. Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đã xử lý rác cho Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm qua và cũng đã hoàn thiện công nghệ chuyển đổi xử lý chất thải từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, để cùng thành phố góp phần làm môi trường trong sạch hơn. Dự án “Chuyển đổi công nghệ Đa Phước” được đầu tư ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích hơn 12 hecta, có công suất xử lý 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, vốn đầu tư hơn 400 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu của dự án là giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa; biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, khí hóa lỏng CNG, phân compost; giảm phát thải carbon và khí nhà kính…Theo đó, trong tổng số 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, sau khi phân loại, dự án sẽ đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày; sử dụng công nghệ ủ kỵ khí AD công suất 1.800 tấn/ngày và sản xuất compost công suất 500 tấn/ngày và những hạng mục khác. Tuy nhiên, trước thực tế của việc phân loại rác còn nhiều khó khăn, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm sau xử lý như làm phân bón, khí CNC không cao; công ty đã xây dựng 2 phương án để có thể đáp ứng tùy vào yêu cầu thực tế của thành phố. Trao đổi qua điện thoại từ Hoa Kỳ, Ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty California Waste Solutions (công ty mẹ của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Tổng Giám đốc VWS, cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị 2 phương án, một phương án là vừa đốt, vừa sản xuất phân hữu cơ, vừa sản xuất điện và sản xuất nhiên liệu sạch CNC, làm tốt hơn cho môi trường và sản xuất ra các sản phẩm mang lợi ích cho xã hội. Nhưng mà, nếu chủ trương của thành phố muốn chỉ đốt rác phát điện thì chúng tôi cũng có phương án 2 là đưa vào đốt hết để rác điện mà thôi. Mình muốn bảo vệ được sức khỏe, bảo vệ được môi trường thì mình phải sử dụng những công nghệ đã được chứng minh”.
Cuối năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh khởi công xây dựng 3 Nhà máy đốt rác phát điện, với tổng công suất xử lý hơn 6.000 tấn rác/ngày đêm. Vấn đề quan tâm là, nhà đầu tư đưa dây chuyền, máy móc vào vận hành theo công nghệ mới, cam kết xử lý rác không cần phân loại và không để người dân than phiền về mùi hôi và ô nhiễm môi trường từ rác. Ông Đinh Xuân Thắng, đại diện công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết thêm về công nghệ đốt rác phát điện của công ty: “Ngoài việc cải tiến công nghệ Martin để xử lý mùi hôi thì hệ thống lò đốt của doanh nghiệp đưa vào cũng là một hệ thống cải tiến phù hợp với rác Việt Nam, thứ nhất là sử dụng lò bậc thang nghịch đảo, lưu lượng khí thải giảm được 35% và đặc biệt nồng độ các chất ô nhiễm như CO, NOX…có thể tiêu hủy được trên 90% và một trong những điều quan trọng ở đây là không cần phân loại rác tại nguồn”.
Theo Ông Phạm Duy Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mộc An Châu nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại tập trung, có công suất 500 tấn/ngày, với năng lực quản lý và công nghệ hiện đại, tiên tiến hoàn toàn có thể tiếp nhận thêm chất thải rắn sinh hoạt, giúp thành phố linh hoạt trong vấn đề điều tiết xử lý chất thải. Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý theo công nghệ đốt phát điện, đảm bảo việc bảo vệ môi trường và cung cấp năng lượng tái tạo: “Công nghệ của chúng tôi đưa vào trước mắt là từ dưới 200kw để lấy năng lượng đó phục vụ ngay vào lò đốt để biến thành nhiệt năng. Nhưng khi công suất đạt trên 200 tấn/ngày, theo khuyến cáo của tổ chức môi trường thế giới, khi ấy chuyển thành đốt phát điện mới có hiệu quả về mặt kinh tế. 5 hoặc 3 năm đầu sẽ rất khó khăn nhưng chúng tôi tự tin sau đó sẽ có hiệu quả và giải quyết được bài toán môi trường”.
Thành phố Hồ Chí Minh đang khuyến khích và mời gọi các doanh nghiệp xử lý chất thải với công nghệ cao, tham gia vào công tác đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lựa chọn công nghệ cho phù hợp với đặc thù của Thành phố. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, cho rằng: “Đặc thù của hệ thống ủ là có mùi, nên xen lẫn giữa khu đô thị thì phải cân nhắc, lựa chọn hình thức đốt rác phát điện. Thành phố đưa ra công nghệ đốt rác phát điện để có thể xử lý toàn bộ rác trong hệ thống kín, tránh phát tán mùi. Chủ đầu tư có quyền lựa chọn công nghệ, nhưng phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là quá trình phát triển đô thị của thành phố”.
Theo các nhà khoa học, để xử lý rác, tốt nhất hiện nay là công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng. Thế nhưng, công nghệ này cũng có điều kiện, không phải bất kỳ tỉnh, thành phố nào cũng áp dụng được. Trước tiên, phải có nguồn rác đủ lớn, các mô đun đốt rác phát điện chỉ áp dụng được với địa phương có nguồn rác tối thiểu từ 400 tấn/ngày đêm trở lên. Tiếp đó, khoảng cách thu gom trên địa bàn không quá xa. Nếu quá xa, chi phí vận chuyển rất tốn kém. Với đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ này đang được xem là tối ưu.