Cân nhắc khi tăng giờ làm thêm - Thời sự 17g00 12/06/2019

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa trong dự thảo luật, theo các đại biểu cần cân nhắc thiệt hơn cho người lao động khi đưa ra quy định này. 

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm (thay vì 300 giờ như quy định hiện hành). Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thu nhập thấp, khó khăn, eo hẹp, một bộ phận người lao động hiện nay cần làm thêm để tăng thu nhập, chứ đại đa số không có nhu cầu làm thêm vì cần có thời gian để tái tạo sức lao động và quan tâm hơn tới gia đình. Băn khoăn về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm  cho rằng, điều quan trọng là làm ít giờ nhưng năng suất lao động cao, chứ nếu mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa chỉ là để người lao động có thêm thu nhập thì sẽ đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Bởi trên thực tế, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp có thu nhập thấp, hàng chục năm không đủ tiền về thăm gia đình và phải gửi con cái về quê nhờ bố mẹ chăm sóc, kéo theo những bất cập trong xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, người công nhân cần làm thêm vì để có thêm thu nhập bởi tiền lương hiện nay còn quá eo hẹp thiếu thốnđể trang trải cuộc sống, nhưng đó lại không phải nhu cầu của người lao động, bởi ai cũng cần có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và chăm lo con cái: “Tôi nghĩ rằng QH phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương và thu nhập tăng thêm. Tôi nghĩ rằng phải xét trên góc độ đó. Để NLĐ có đủ sức tái tạo lao động để làm việc tốt hơn. Như vậy vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động. Người sử dụng sẽ có một người công nhân đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái, tình cảm tốt thì năng suất lao động chất lượng làm việc mới tăng lên, chứ không thể nghĩ vắt kiệt sức lao động của NLĐ là tốt, đừng nói rằng người công nhân có nhu cầu làm thêm mà họ cần làm thêm vì những yếu tố như tôi nói…”.

Các đại biểu Cần Thị Mẫn, đoàn Thanh Hóa và Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn Bắc Giang đồng tình với phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; và ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn quy định đối với nhóm lao động đặc thù, nhưng cần quy định cụ thể và đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo an sinh xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn Bắc Giang, cho rằng: “Tuổi nghỉ hưu  hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, đến nay thì tất cả các điều kiện về kinh tế xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, yêu cầu phát triển đất nước thay đổi rất nhiều nên thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu đã chin muồi. Thứ 2 cách đây 15 lực lượng lao động 1,2 triệu người/năm, đến nay chỉ khoảng 400 ngàn người trên năm. 15 năm tới VN chỉ tăng khoảng 200 ngàn lao động. Như vậy trong thời gian tới chúng ta thiếu lao động. Đối với nữ tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng số năm đóng BHXH, lương hưu của LĐ nữ sẽ được cải thiện tốt hơn”.

Cũng đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, Ban soạn thảo cần tính toán việc tăng tuổi nghỉ hưu đến bao nhiêu để không đánh mất cơ hội việc làm cho giới trẻ: “Việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Nhất là lao động phổ thông. Cán bộ công chức, viên chức bình thường. Tuổi thọ trung bình của nước ta hơn 76 nhưng sức khỏe thấp, mắc nhiều bệnh , việc tăng tuổi hưu như tờ trình nên cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng tuổi nữ tăng đến 58,nam là 62 là đủ.Đây cũng là nguyện vọng không nhỏ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường”. 

Cho rằng có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm là nhu cầu cần thiết của người lao động, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng việc nghỉ lễ sẽ có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Việc thêm một ngày nghỉ còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh mức tăng trưởng của chúng ta chưa cao như hiện nay thì cần phải xem xét. Các đại biểu đề nghị lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này.

Trước đó, trong phiên thảo luận sáng nay về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định đối với đối tượng công dân có nhu cầu xuất nhập cảnh và cán bộ công chức thừa hành, mà chưa có đối tượng là cán bộ lãnh đạo quản có quyền chỉ đạo cấp dưới và có quyền quyết định xuất cảnh nhập cảnh. Những người này một khi đã chỉ đạo thì cấp dưới bắt buộc phải làm theo. Đây chính là lỗ hổng lớn đã tạo ra những vụ án xuất cảnh trái phép bị truy nã quốc tế thời gian qua. Do vậy, cần bổ sung thêm hành vi của những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Hà Nội cho rằng: “Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, dự thảo luật quy định phương án 1 là quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử người thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài. Tôi tán thành phương án 1 và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học, tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người. Ví dụ, trường hợp Vũ Nhôm thời gian qua có vài hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tại cùng một thời điểm. Phải chăng là từ sự quy định trùng lặp như vừa qua.”

Về hành vi bị nghiêm cấm xuất cảnh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hành vi hạn chế quyền này cần phải đặt trong những cam kết quốc tế của chúng ta: “Cần phải cụ thể hóa các tiêu chí về hoãn và cấm xuất, nhập cảnh hoặc hạn chế xuất, nhập cảnh. Chúng ta không thể gộp chung hình sự, dân sự v.v... như thế. Chúng tôi đề nghị có tiêu chí riêng. Những người liên quan đến pháp luật hình sự thì chúng ta có những quy định riêng là liên quan như thế nào thì chúng ta hoãn, hạn chế, hoãn bao nhiêu và hạn chế bao nhiêu là vừa. Ví dụ, đáng lẽ hoãn 10 ngày, chúng ta hoãn 3 tháng là xâm phạm quyền con người, quyền công dân, chưa kể đối với doanh nhân trong nước và doanh nhân nước ngoài gây thiệt hại rất nhiều cho người ta. Phải có tiêu chí hết sức cụ thể.

Vốn FDI Trung Quốc “chảy” vào Việt Nam: Kiểm soát tình trạng tránh thuế hoặc “xí chỗ”

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019, đạt 2 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phần đăng ký cấp mới 1,56 tỷ đô la Mỹ, tăng 450% so với 280 triệu  của cùng kỳ 2018. Việc vốn FDI Trung Quốc ồ ạt chảy vào Việt Nam sẽ đem đến cơ hội, thách thức gì, và Việt Nam cần ứng xử như thế nào với dòng vốn này để tránh rủi ro, là những câu hỏi cần có câu trả lời. 

Về việc dòng vốn FDI Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng tới 450% so với cùng kỳ năm 2018, Đại biểu Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, điều này có nguyên nhân từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đang áp thuế các mặt hàng của Trung Quốc rất cao, từ đây dẫn đến việc Trung Quốc phải chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế, sau đó xuất khẩu ngược trở lại vào Mỹ. Đối với những dự án này, ông Nhường đề xuất, đã đến thời kỳ Việt Nam không cần phải thu hút đầu tư bằng mọi cách, chính vì vậy cần kiểm tra công nghệ từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam. “Thì chúng ta phải kiểm tra công nghệ và những mặt hàng phải có hàm lượng công nghệ, chứ không phải là dịch chuyển những nhà máy công nghệ lạc hậu thiết bị cũ qua đây. Thứ hai là Việc đăng ký tăng tới 450%, nhưng tôi chưa biết tỉ lệ giải ngân được bao nhiêu hay mới chỉ là động thái “xí chỗ”. Chúng ta cần phải kiểm tra nghiêm ngặt những dự án đăng ký này. Vì nếu Mỹ và Trung Quốc “hòa giải” được cuộc chiến thương mại, thì chưa chắc các dự án đăng ký đầu tư này đã được thưc hiện. Do đó, chúng ta cũng phải có giải pháp chặt chẽ như yêu cầu nhà đầu tư phải đặt cọc hoặc ký cam kết về tính khả thi của các dự án đã đăng ký. Tuy nhiên cần cảnh giác để tránh trường hợp Việt Nam trở thành “trụ sở” gia công thế giới, mượn thương hiệu, nhãn mác Việt Nam nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đến từ Trung Quốc”. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Minh Hoàng - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, việc dịch chuyển này là cơ hội cho Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên đại biểu Trương Minh Hoàng mong muốn các nhà đầu tư hay dự án FDI này phải được đánh giá một cách chính xác nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp này chuyển giá: “Lo nhất chúng ta là tình trạng chuyển giá, từ cái đánh giá không chính xác tổng vốn đầu tư xuất đầu tư ảnh hưởng đến chuyển giá sau này. Chúng ta phải tính đến việc các doanh nghiệp FDI kinh doanh vẫn có lãi, nhưng do việc tính toán và đánh giá không kỹ nên họ đã chuyển hết lãi ra bên ngoài, khiến Việt Nam không được lợi gì”.

Các đại biểu cũng cho rằng cần cần cảnh giác để tránh trường hợp Việt Nam trở thành “trụ sở” gia công thế giới, mượn thương hiệu, nhãn mác Việt Nam nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Vì nếu bị phát hiện hàng hóa có xuất xứ và dán nhãn sản xuất tại Việt Nam thì Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí là sự “trừng phạt” từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đại biểu Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến: “Mình phải có sự chọn lựa, ngành nào mình tiếp thu ngành nào không tiếp thu, ngành nào mình đang cần đang thiếu thì mời gọi vào. Trung Quốc hay bất kì nước nào họ hội đủ các điều kiện thì mình mời gọi. Nhưng cần phải nâng cao trách nhiệm quản lý vốn FDI của các cơ quan trong thời gian tới…”

Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo