Việt Nam cho phép công dân có 2 quốc tịch không?

(VOH) – Việt Nam có cho phép công dân có 2 quốc tịch không? Vậy trong trường hợp nào công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống phát sóng trên kênh AM 610Khz, Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa cá nhân đối với nhà nước nhất định, biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện. Quốc tịch gắn với một người kể từ khi người đó được sinh ra trừ một số trường hợp vì những lý do nhất định có thể có sự thay đổi quốc tịch. Một người có quốc tịch của một nước thì họ có quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch như thế nào? Trong trường hợp một người mang quốc tịch 2 nước thì pháp luật sẽ xử lý ra sao? 

Luật sư Trần Văn Sỹ, giảng viên Học viện Tư pháp tư vấn: 

Thưa Luật sư, việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào? Người có quốc tịch Việt Nam có thể được chứng minh bằng các loại giấy tờ gì?

Luật sư Trần Văn Sỹ chia sẻ: Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, người được xác định có quốc tịch Việt Nam (là công dân Việt Nam) nếu có một trong những căn cứ sau đây:

1. Cha, mẹ đều là công dân Việt Nam, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

2. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

3. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, nếu cha mẹ có sự thỏa thuận bằng văn bản về việc chọn quốc tịch Việt Nam vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

4. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài mà được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con.

5. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam.

6. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai.

7. Người được nhập quốc tịch Việt Nam.

8. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam.

9. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai.

10. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

11. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

12. Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ (nếu người con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người con).

Người có quốc tịch Việt Nam có thể được chứng minh bằng các loại giấy tờ sau đây: 

1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ.

2. Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương.

3. Hộ chiếu Việt Nam.

4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Hiện nay, nước ta có cho phép công dân có 2 quốc tịch không? Vậy trong trường hợp nào công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch?

Về nguyên tắc công dân Việt Nam không được quyền có 2 quốc tịch, nhưng có một số trường hợp ngoại lệ. 

Theo quy định tại khoản 2 điều 16 của Luật Quốc tịch 2008 thì trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, về nguyên tắc công dân phải có văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn quốc tịch nước ngoài thì công dân mới được mang quốc tịch nước ngoài. 

Cũng tại điều 4 của Luật Quốc tịch, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Điều 13 Luật Quốc tịch cũng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực - ngày 26/6/2014 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. 

Luật quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch trừ trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật (trước ngày 26/6/2014) thì mới được có 2 quốc tịch. 

Vừa qua ở Việt Nam cũng đã xảy ra một vài trường hợp từng khai trước tòa là mình có 2 quốc tịch. Vì vậy, từ thực tế trên, theo Luật sư có nên sửa đổi lại quy định cho phép công dân Việt Nam mang hai quốc tịch không?  

Việc mang song tịch có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Việt Nam đang hoặc có ý định định cư tại nước ngoài. Phần lớn người Việt Nam mong muốn Nhà nước Việt Nam công nhận quy chế 2 hoặc 3 quốc tịch dành cho họ, nghĩa là vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài. Khi dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi được thông qua ngày 13/11/2008 đã mang đến niềm vui cho rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài vì được hưởng song tịch. 

Người song tịch hai quốc tịch là được hưởng tất cả các ưu đãi, quyền lợi về kinh tế, chính trị, phúc lợi xã hội của cả hai quốc gia mà họ là công dân. Cụ thể là họ sẽ được sống, làm việc, được học tập, được chăm sóc sức khỏe, được đứng tên và sở hữu công ty, được sở hữu và mua bán bất động sản, được bão lãnh người thân, được quyền ứng cử, bầu cử…Đặc biệt, những người song tịch hai quốc tịch sẽ thuận tiện hơn trong việc việc xuất - nhập cảnh bởi họ không cần xin visa hoặc thẻ thường trú nhân vào nước mà họ đang giữ quốc tịch.

Bên cạnh những quyền lợi đáng kể được nêu trên của người song tịch thì họ cũng phải đáp ứng những quy định của những quốc gia mà họ có quốc tịch như khai thuế, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuân thủ pháp luật hoặc quy định. Người song tịch cần hiểu rõ quy định về mặt pháp luật ở cả hai quốc gia về trách nhiệm quyền công dân nếu không sẽ dễ vướng vào những rắc rối về mặt pháp lý. 

(Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống ngày 3/6/2022)

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo