Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam như thế nào?

(VOH) - Chương trình có nhận được một số thư thắc mắc của kiều bào hỏi về các qui định, thủ tục để nhập (hoặc nhập lại ) quốc tịch Việt Nam theo hình thức song tịch.

  • Một bạn ở địa chỉ Jennydieu…@gmail.com cho biết: Bạn em sinh ra ở Việt Nam vào năm 1985. Năm 2 tuổi bạn em theo gia đình sang Mỹ định cư. Bạn có người thân ở Việt Nam nhưng từ trước đến nay chưa từng làm giấy tờ cư trú tại Việt Nam. Hiện bạn đang công tác tại nước ngoài và hay đi về Việt Nam thăm thân nhân. Nay bạn có nguyện vọng hồi hương và xin được cấp quốc tịch Việt Nam (nhưng vẫn giữ quốc tịch Mỹ). 
  • Bạn Danh Nguyên, địa chỉ nmdan...@gmail.com hỏi muốn về Việt Nam mua đất thì cần nhập lại quốc tịch Việt Nam nhưng muốn giữ lại quốc tịch Canada phải làm sao?
  • Bạn Hop Nguyen ở địa chỉ hopnguyen22…@gmail.com hỏi, chị gái tôi đã có quốc tịch Mỹ. Bây giờ muốn nhập lại quốc tịch Việt Nam theo hình thức song tịch. Xin văn phòng luật sư tư vấn giúp.

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn: 

Trường hợp 1: Chị bạn chưa từng có quốc tịch Việt Nam. Để được nhập quốc tịch Việt Nam trước hết chị gái bạn phải đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi năm 2014 sau đây:

“Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.”

Theo đó nếu chị gái bạn có chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam thì chị bạn có thể nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 của Điều 19 trên mà chỉ cần đạt điều kiện chị bạn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.

Về nguyên tắc khi làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam thì người nước ngoài phải xin thôi quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, nếu chị bạn thuộc trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 thì chị bạn vẫn được giữ lại quốc tịch gốc.

Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được lập thành 03 bộ theo quy định tại Điều 24 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên nếu chị bạn thuộc trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 thì ngoài những giấy tờ được quy định tại Điều 24 chị bạn còn phải bổ sung thêm một số giấy tờ được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 78/2009/NĐ-CP.

Thời gian giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam khoảng 120 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ theo quy định tại Điều 25 Luật này. Lệ phí xin trở lại quốc tịch Việt Nam là 3.000.000 đồng/trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC, ngoài ra trường hợp miễn phí, lệ phí bạn tham khảo tại Điều 5 của Thông tư này.

Trường hợp 2: Trước đây chị bạn đã có quốc tịch Việt Nam nhưng vì lý do nào đó hiện nay chị bạn không còn quốc tịch Việt Nam nữa Để được trở lại quốc tịch Việt Nam chị bạn phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi năm 2014:

“Điều 23. Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam

1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; …”

Tuy nhiên, nếu chị bạn muốn trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch gốc thì phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi năm 2014:

“5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam tại Điều 24, thời gian giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam khoảng 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ theo quy định tại Điều 25 Luật này. Lệ phí xin trở lại quốc tịch Việt Nam là 2.500.000 đồng/trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC.

Xin cảm ơn luật sư.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Phiếu Lý Lịch Tư Pháp Là Gì ?

>>>> Ở Nước Ngoài Về Việt Nam Không Có Giấy Tờ, Phải Làm Sao ?

>>>> Giấy Tờ Tùy Thân Là Giấy Tờ Nào ?

VOH

Bình luận

Đọc Báo