Tranh chấp tiền ảo có được pháp luật bảo vệ hay không?

(VOH) – Khi xảy ra tranh chấp bị chiếm đoạt liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo thì chủ sở hữu có được cơ quan có thẩm quyền bảo vệ hay không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống phát sóng trên kênh AM 610Khz, hiện nay, vấn đề tài sản ảo và tiền ảo đang trở nên nóng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều các loại tiền ảo và cộng đồng những người đầu tư tiền ảo đang ngày càng nhiều với mức giao dịch tăng mạnh. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có quy định trao đổi tiền ảo, tài sản ảo cũng như chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. 

Thực tế, thời gian qua, đã có hàng loạt sàn giao dịch đầu tư tài chính lần lượt biến mất khiến hàng trăm người chơi mất tiền tỷ. Ngoài ra, còn xảy ra các vụ trộm cắp tài sản ảo, ăn cắp đồ ảo thu về tiền thật trên game…thế nhưng việc giải quyết của các cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn, không đơn giản vì khó định giá tài sản ảo. 

Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ, điều chỉnh đối với tài sản ảo, tiền ảo. Như vậy, các quyền tài sản ảo như tiền ảo có được pháp luật công nhận không? Khi xảy ra tranh chấp bị chiếm đoạt thì chủ sở hữu có được cơ quan thẩm quyền bảo vệ hay không? 

Luật sư Trần Văn Sỹ, giảng viên Học viện Tư pháp tư vấn: 

Thưa luật sư, luật sư có thể cho biết tài sản ảo là gì? Tiền ảo là gì? 

Tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online… Nhưng phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền.

Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. 

Tài sản ảo (cung, kiếm, áo giáp ảo, tiền ảo …) chỉ là hình ảnh thể hiện ra bên ngoài, mà bên trong chính là thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính. Các đoạn mã khác nhau tạo nên những loại tài sản ảo khác nhau. Thực tế, không thể thực hiện quyền chiếm hữu như tài sản thông thường mà chỉ có thể thực hiện được quyền này thông qua giá trị bằng tiền của tài sản ảo đó. 

Về giá trị: Tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người. Ví dụ như game online đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu,…

Thời gian qua, thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, nhưng các thuật ngữ “tiền kỹ thuật số”, “tiền thay thế”, “tiền internet”, “tiền mã hóa”, Bitcoin cũng được đề cập với nghĩa tương đương. Tiền ảo có thể tồn tại dưới nhiều dạng như: Tiền ảo có chức năng là chứng khoán; tiền ảo có chức năng là phương tiện thanh toán; tiền ảo có chức năng là tiện ích để tiếp cận, sử dụng một dịch vụ nhất định...

Khái niệm tiền ảo cũng rất dễ gây nhầm lẫn với khái niệm tiền điện tử. Việc chưa có được một cách hiểu chính thức đang là một rào cản và khó khăn đặt ra khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn.

Thực tế hiện nay các giao dịch liên quan đến vấn đề tài sản ảo hoặc tiền ảo được thực hiện khá phổ biến mặc dù pháp luật Việt Nam không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này. Vậy điều này sẽ mang lại những rủi ro và hệ luỵ như thế nào cho người tham gia giao dịch? 

Luật sư Trần Văn Sỹ cho biết, các loại tiền ảo không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Do đó, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật. Việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ khoái chân ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các ngân hàng thương mại được ngân hàng Nhà nước cấp phép thực hiện.

Tài sản ảo hiện nay cũng không được pháp luật thừa nhận là tài sản nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản ảo. 

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền ảo. Việc người dân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo hộ.  

(Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống ngày 6/5/2022)

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo