Ủy ban nhân dân phường, xã có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại tố cáo hay không?

(VOH) - Một bạn đọc có gửi thư hỏi khi bạn tố cáo một nhân viên làm tại Ủy ban nhân dân phường thì được trả lời là UBND phường không có chức năng giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, đúng hay sai?

Ban đọc viết: “Thưa luật sư, khi tôi gửi đơn khiếu nại tố cáo hành vi sai phạm của người dân trong địa bàn phường và cả của nhân viên công tác tại Uỷ ban phường thì được trả lời là ở cấp phường không có chức năng trả lời đơn khiếu nại tố cáo nên không nhận đơn, nếu muốn nhận thì phải sửa tên đơn lại thì mới nhận (sửa thành đơn tranh chấp với người dân), như vậy đúng hay sai?”. Xin luật sư tư vấn.

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Theo nội dung bạn nêu đây là việc tố cáo cá nhân cụ thể Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018 quy định:

“1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”

Do đó hành vi sai phạm cá nhân công tác tại Uỷ ban nhân dân phường là hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 nêu trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật tố cáo 2018, vì thế bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến Chủ tịch ủy ban nhân dân phường để giải quyết.

Tuy nhiên Luật tố cáo 2018 không quy định về thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân phường giải quyết tố cáo của công dân tố cáo công dân khác. Trường hợp tố cáo người dân trong địa bàn phường, bạn có thể lên các cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân quy định tại Điều 4 Luật tiếp công dân 2013 để trình bày nội dung tố cáo và sẽ được cơ quan tiếp công dân hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến tố cáo của bạn.

Xin cảm ơn luật sư.

Luật Tiếp công dân

...

Điều 4. Trách nhiệm tiếp công dân (2013)

1. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:

a) Chính phủ;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;

c) Ủy ban nhân dân các cấp;

d) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

đ) Các cơ quan của Quốc hội;

e) Hội đồng nhân dân các cấp;

g) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

 

>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn pháp luật xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> Khi Nào Cơ Quan Nhà Nước Được Phép Từ Chối Tiếp Công Dân?

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Giám Đốc, Phó Giám Đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch Các Tỉnh. Thành

>>>> Vi Phạm Về Qui Định Bảo Quản An Toàn Phòng Chống Cháy Nổ Về Hóa Chất Bị Phạt Bao Nhiêu?

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Trưởng, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo