Định đoạt tài sản chung của vợ chồng khi không đăng ký kết hôn

(VOH) - Vợ chồng không đăng ký kết hôn thì phần tài sản chung sẽ được phân chia cho các con riêng của mỗi người như thế nào?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Chương trình Pháp luật và cuộc sống phát sóng trên kênh AM 610Khz có nhận được câu hỏi của một thính giả :  Mẹ tôi và cha dượng sống với nhau hơn 10 năm nay. Mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng 2 người họ từng mua chung một mảnh đất 1000 m2 do mẹ tôi đứng tên.

Cha dượng tôi có hứa miệng sẽ cho con riêng của mẹ (tức là tôi và em trai tôi) mảnh đất này.

Tuy nhiên, cha dượng tôi còn 2 người con riêng và mẹ tôi không muốn xảy ra tranh chấp với 2 người con riêng của cha dượng sau này. Mẹ tôi đã đề nghị ông viết di chúc để lại mảnh đất cho bà, dù cha dượng hứa viết nhưng cứ khất nhiều lần. 

Thưa luật sư, nếu mẹ tôi tự ý sang tên mảnh đất đó cho tôi và em trai tôi được không? Anh em tôi có thể cùng đứng tên trên sổ đỏ ? Nếu mẹ tôi làm vậy sau này nếu xảy ra tranh chấp với con riêng của cha dượng, anh em tôi có phải chia đất cho họ không? 

Luật sư Trần Văn Sỹ, giảng viên Học viện Tư pháp tư vấn: 

Do mẹ và cha dượng của thính giả không đăng ký kết hôn nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 16 Luật Hôn nhân gia đình 2014 giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì tài sản là 1000m2 đất sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự. 

Song, mẹ và cha dượng phải chứng minh được nguồn gốc tạo lập tài sản, có phải cùng bỏ tiền ra mua 1000m2 đất không. Từ đó, có cơ sở để phân chia tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định. 

Nếu mẹ của thính giả và cha dượng không đăng ký kết hôn mà tài sản này do 2 người tạo lập trong thời kỳ chung sống như vợ chồng thì được phân chia tài sản thuộc sở hữu chung - luật sư Sỹ tư vấn. 

Cụ thể Điều 219 Bộ Luật Dân sự 2015 khi chia tài sản thuộc sở hữu chung thì mẹ và cha dượng đều có quyền phân chia 1000m2 đất sở hữu chung (chia bằng hiện vật hoặc bằng giá trị). 

Khi xác định đây là tài sản chung thì cả hai đều có quyền định đoạt phần tài sản này. Nếu cha dượng tự nguyện cùng đứng tên với mẹ để làm hợp đồng cho tặng bạn hoặc lập di chúc để lại cho bạn thì sẽ hợp pháp. 

Trường hợp cha dượng không tự nguyện lập di chúc hoặc làm hợp đồng cho tặng bạn thì cha dượng vẫn là chủ sở hữu tài sản này. Kể cả trường hợp mẹ thính giả đứng tên làm giấy tờ sang tên cho con trai nếu cha dượng phát hiện thì việc cho tặng cũng không hợp pháp. 

Trường hợp cha dượng qua đời, thì di sản người chết để lại sẽ theo hàng thừa kế theo thứ tự cha, mẹ, vợ và các con.

Giả định trường hợp cha mẹ của cha dượng không còn, thì hai anh em con chung của cha dượng và con riêng của cha dượng sẽ cùng trở thành hàng thừa kế thứ nhất của cha dượng, chia làm 4 phần bằng nhau. 

Phần di sản của cha dượng để lại là tài sản chung với mẹ bạn, thì sẽ chia làm đôi cho hai người. Trong đó, di sản phân nửa sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất, kể cả con riêng của cha dượng.  

(Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống ngày 15/04/2022)

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo mới