Vậy là một mùa trung thu nữa lại về. Đây là lúc mà mọi trẻ em đều háo hức đón chờ giây phút được rước đèn, được nhận quà từ người thân, ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng đều có được niềm hạnh phúc trong tết đoàn viên ấy, nhất là những trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi cha, mẹ trong đợt dịch Covid -19 vừa qua. Vì thế, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể đã và đang chung tay cùng nhiều nhà hảo tâm, tổ chức những hoạt động ý nghĩa, vui tươi nhằm đem đến một mùa trung thu ấm áp cho các em. Bài viết của phóng viên Phương Dung, nhan đề “Trung thu ấm áp của trẻ em mồ côi, cơ nhỡ”.
Trung thu năm nay, Quỹ “Vì người nghèo” Thành phố dành số tiền hơn 600 triệu đồng để trao tặng hơn 2.000 phần quà, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng, gồm sữa, bánh trung thu, lồng đèn, nhu yếu phẩm,... cho các em thiếu nhi là con em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu lưu trú và các em đang sinh sống, học tập tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập Thành phố.
Bà Cao Thị Thu Duyên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo – Đối ngoại - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết: Chương trình “Vầng trăng yêu thương” tổ chức hàng năm với mong muốn tạo điều kiện cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố có những hoạt động vui tươi, ý nghĩa nhân mùa Trung thu. “Đặc biệt, chúng tôi cũng mong rằng qua đó sẽ huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố để cùng chung tay chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Và đối với các em thì nhiều em đã không còn cha mẹ hoặc là người nuôi dưỡng thì chắc chắn là không có một cái trung thu đoàn viên như vốn dĩ ý nghĩa của nó. Vì vậy khi đến đây, được thấy những cái ánh mắt vui tươi, trong sáng và nụ cười hồn nhiên của các em thì chúng tôi cảm thấy rất là ấm lòng. Tôi nghĩ rằng là những món quà nhỏ này sẽ làm ấm thêm cái tâm hồn của các em trong mùa trăng năm nay”.
Hạnh phúc lớn nhất trong tuổi thơ của trẻ em, là được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, đón cái tết Trung thu với tiếng trống lân rộn rã. Thế nhưng, niềm vui ấy lại không đến với tất cả mọi đứa trẻ. Ở đâu đó vẫn còn nhiều em nhỏ không có điều kiện được tận hưởng những đêm hội trăng rằm trọn vẹn.
Có những em vì hoàn cảnh khó khăn, cũng có những em đang gặp phải những éo le của cuộc sống, mà không thể có được cảm giác hạnh phúc được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng, được rước đèn, phá cỗ. Ký ức về những mùa trung thu ấy nay đã không còn, thay vào đó là niềm nhớ nhung khi cha mẹ các em đã mãi mãi ra đi vì Covid-19.
Em Trần Thị Hồng, ngụ phường Bình Chiểu, Thành phố Thủ Đức không giấu được nỗi buồn, kể: mẹ của em đã không may qua đời trong đợt Covid-19 vừa qua. Mẹ mất rồi, cuộc sống của hai chị em thiếu thốn rất nhiều thứ: “So với các mùa Trung thu trước khi gia đình vẫn còn đủ cha mẹ thì đợt dịch Covid vừa rồi, mẹ em đã không may mà mất. Vậy nên cũng nhờ Hội Phụ nữ hỗ trợ khá nhiều nên gia đình mới có thể cho em tiếp tục đi học cũng như không riêng trung thu mà các dịp lễ, tết, Hội Liên hiệp Phụ nữ và phường cũng đồng hành với gia đình rất nhiều”.
Tuy không thiếu bánh, thiếu quà, nhưng các em lại khuyết mất tình thân, không có cả cha lẫn mẹ. Đó là nỗi đau không thể nào bù đắp nổi.
Em Đào Thị Thanh Nga – Mái ấm Ga Sài Gòn rất xúc động khi nhận được học bổng và quà trung thu: “Con vào mái ấm từ năm con 8 tuổi, ba con mất, mẹ con đi đâu con không biết. Trước đây con sống với bà cố, nhưng bà cố mất rồi. Hôm nay con rất hạnh phúc vì lâu lắm rồi con mới được vui như vậy. Hôm nay được nhận quà và học bổng con rất vui. Con mong các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được vui như vầy. Bản thân con sẽ chăm học và siêng năng hơn nữa để có thể đạt được kết quả cao”.
Còn em Lê Duy Phước, học sinh lớp 3, đang sinh sống tại Trung tâm công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố, gương mặt non nớt nhưng đôi mắt luôn đượm ưu tư. Tiếng trống lân giòn giã vang lên, Phước chạy ào đi rồi cùng các bạn trong trung tâm hòa mình vào các trò chơi, và say mê nhìn đội lân biểu diễn.
Phước kể, ba mẹ chia tay nhau và bỏ rơi em từ khi em vừa lọt lòng, được gửi vào trung tâm là may mắn của em: “Em là không có mẹ nhưng mà em vẫn xem các cô như là mẹ của mình. Các cô chăm sóc em rất là tốt vì mỗi lần mà chúng em khó khăn thì các cô sẽ động viên và em mong muốn là những năm sắp tới đây thì chúng em sẽ có một mùa trung thu vui vẻ như thế này và thật đầm ấm chung với các bạn thì chúng em cũng muốn là ăn Thu giống như là ăn Tết như là các ngày lễ khác thật vui và đầm ấm. Khi Trung thu mà không có mẹ bên cạnh thì em cảm thấy rất là tủi thân. Nhưng mà có các thầy cô ở đây giống như là ba mẹ của mình nên có thể động viên em có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình. Mai sau thì em ước mơ em sẽ là một ca sĩ, là một diễn viên”.
Ông Nguyễn Minh Tự - Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố cho biết, ở đây các em không thiếu thốn về vật chất. Trung thu, lễ, Tết đều có quà vì nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Cái các em thiếu nhất chính là tình thương của cha mẹ. Các thầy cô rất hiểu nên cố gắng chia sẻ và quan tâm, bù đắp được một phần nào đó sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu: “Các em thì có rất là nhiều hoàn cảnh, có trẻ thì cha mẹ thôi nhau, trẻ ở với ông bà rồi trẻ lại bỏ nhà đi; hoặc là trẻ ở với cha mẹ nhưng mà ở với dì hoặc với dượng thì không chịu nổi bỏ nhà đi lang thang được đưa về Trung tâm hỗ trợ của Sở Lao động nuôi dưỡng và cho trẻ ăn uống, đi học và học nghề. Bên cạnh Trung thu này thì Trung tâm còn tặng quà và tổ chức sinh hoạt về kỹ năng sống để các em trang bị hành trang sau này ra ngoài đời có cuộc sống tốt hơn”.
Tại Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP Thủ Đức, các em phần lớn là trẻ mồ côi, lạc cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ.
Như trường hợp của em Phan Thị Vy Dung, học sinh lớp 6 kể, khi vào đây em mới 4 tuổi, em không nhớ nổi gương mặt của ba mẹ mình. Mỗi khi nhắc đến ba mẹ, mắt em lại ngấn lệ: “Em vô đây từ năm em 4 tuổi, trước đó em được nhà Chùa nhận nuôi. Em ở đây được các cô rất nhiệt tình hỗ trợ cho em tìm lại cha mẹ. Hôm nay được tham gia chung với các bạn em thấy rất vui. Trong tương lai em muốm tìm lại ba mẹ, được đón trung thu, rước đèn cùng ba mẹ”.
Tại khu lưu trú số 1, huyện Hóc Môn, bé Nguyễn Thị Thanh, 11 tuổi cười thích thú, em không thể giấu nổi sự vui mừng, ánh mắt toát lên niềm hạnh phúc khi cầm chiếc lồng đèn trong tay. Thanh tâm sự: "Tại vì lâu rồi, năm ngoái có dịch nên em không đón được Trung thu. Trung thu sẽ có Chú Cuội, Chị Hằng xuống đây chơi với các trò chơi như tranh cát, coi phim nữa, vui lắm. Em chơi ở đây vui lắm vì em không cần tốn tiền mua các thứ đó. Hiện em đang ở với bà, ba em đi làm xa còn mẹ em thì bỏ đi lúc em mới 2 tuổi, giờ thì em 11 tuổi rồi".
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho biết, Tết Trung thu năm nay là một dịp Tết rất đặc biệt, người dân Thành phố đã trải qua một cuộc chiến khốc liệt với đại dịch Covid-19 và để lại hơn 2.500 trẻ em mồ côi, trong đó có 115 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, vì vậy, việc chăm lo này để tất cả các em đều có một mùa trung thu ý nghĩa, và phần nào bù đắp về mặt tinh thần cho các em: "Chúng tôi cũng mong muốn Trung thu năm nay được trọn vẹn hơn đối với các cháu, đặc biệt là các cháu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những phần quà tuy nhỏ nhưng đem lại niềm vui và sự rạng rỡ cho các cháu. Nhìn những gương mặt hạnh phúc của các cháu trong đêm Trăng rằm thì riêng mình cũng thấy vui lây. Mong muốn của chúng tôi là mọi người có một điểm tựa vững chắc để chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn đó".
Rất nhiều những Đêm hội Trung thu có thể thật giản đơn, nhưng ấm cúng của trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, với các tiết mục văn nghệ, tiếng trống múa lân rộn rã đang được tổ chức tại thành phố chúng ta. Các em nhỏ được rước đèn, ăn bánh, phá cỗ cùng chị Hằng, chú Cuội. Niềm vui một đêm Trung thu ấm áp tình người sẽ mãi còn đó…
Phương Dung