Tỷ lệ phân luồng học sinh trung học cơ sở vào học nghề hiện chỉ đạt hơn 10%, nhưng công tác giáo dục nghề nghiệp những năm qua đã có những chuyển biến tích cực với số lượng học sinh tham gia học trung cấp ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội
Cho thấy đây là hướng lựa chọn có nhiều lợi thế. Trong các Chương trình Thời sự trước, quý vị đã nghe Toạ đàm "Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở" đề cập đến việc dù còn khó khăn nhưng xu hướng phân luồng học sinh để nâng cao tay nghề là điều cần thiết. Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên VOH có phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM.
VOH: Thưa ông, thống kê những năm quá số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề tại các trường trung cấp khá thấp chỉ khoảng hơn 10%. Trong khi tại nhiều quốc gia phát triển, tỷ lệ học sinh chọn hướng học nghề thường ở mức cao hơn 40%. Ông đánh giá như thế nào về tình hình này?
Ông Nguyễn Văn Lâm- Phó GĐ Sở LĐTB&XH: Vấn đề định hướng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề là một vấn đề lớn. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã triển khai từ lâu. Trong những năm gần đây tình hình có chuyển biến sau khi có đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% hoc sinh tốt nghiệp THCS vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năm 2025, con số này sẽ là 40%. Với số liệu hiện nay là khoảng 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề là vấn đề xã hội, các cơ quan quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy có sự chuyển biến tích cực:
+ Năm 2017: tuyển sinh hệ trung cấp đạt khoảng 25.000 học sinh/462.900 học sinh sinh viên toàn TP.
+ Năm 2018: tuyển sinh hệ trung cấp đạt khoảng 29.000 học sinh/482.000 học sinh sinh viên toàn TP
Như vậy, tỷ lệ tuyển sinh của THCS, THPT vào học nghề từng năm đã có chuyển biến. Tư tưởng xem trọng bằng cấp, xác định nhu cầu học nghề tìm việc làm của học sinh sinh viên giai đoạn hiện nay khác trước nhiều và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng đề án của Chính phủ đòi hỏi phải có sự vận động, giáo dục thuyết phục của cả hệ thống chính trị, chứ không phải 1 ngành, 1 cấp mà làm được.
VOH: Những lợi thế của việc học trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS so với các loại hình học tập khác như Giáo dục thường xuyên, tư thục... là gì?
Ông Nguyễn Văn Lâm- Phó GĐ Sở LĐTB&XH: Học nghề trước hết tiết kiệm thời gian. Thay vì phải học THPT 3 năm và 1 đến 2 năm học trung cấp, tổng cộng khoảng 4-5 năm mới lấy được bằng trung cấp và tốt nghiệp trung học. Học giáo dục nghề nghiệp chỉ cần 2-3 năm là có thể có cả bằng THPT và trung cấp nghề.
Thứ hai là tiết kiệm tiền bạc. Theo quy định của Chính phủ, học sinh tốt nghiệp THCS nếu tiếp tục học trung cấp được miễn học phí. Ngoài ra, học sinh còn được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để trang trải các chi phí theo quy định Nhà nước.
Thứ ba là tăng khả năng tự lập. Học sinh học trung cấp được trang bị trình độ chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp nên có ưu thế vượt trội hơn trong khả năng tìm việc làm, tự nuôi sống bản thân so với các bạn cùng tuổi. Sau khi học trung cấp 1-2 năm học sinh có thể đi làm, sau đó, có thể học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học.
VOH: Thực tế, công tác giáo dục nghề nghiệp sau THCS có những khó khăn trở ngại gì (liên thông, cơ sở vật chất...)? Để giải quyết những khó khăn này, ngành có những kiến nghị gì?
Ông Nguyễn Văn Lâm- Phó GĐ Sở LĐTB&XH: Với giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS, THPT chỉ có vận động tuyên truyền để có chuyển biến về nhận thức trước hết là với phụ huynh, sau đó là đến các em học sinh. Còn vấn đề liên thông cho đến thời điểm này tôi chưa thấy có trở ngại gì lớn. Các em học xong nghề đi làm rồi quay trở lại tiếp tục học bậc cao hơn như cao đẳng, đại học. Hiện chưa nghe vấn đề gì. Đối với cơ sở vật chất, hiện các cơ sở giáo dục của thành phố muốn thu hút học sinh vào học trước hết phải tự đổi mới chương trình, giáo trình dạy nghề, các trang thiết bị theo hướng hiện đại tiên tiến để tiếp cận với công việc, với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Từ đó, có lợi thế, uy tín của trường đạt được vị trí nhất định thì sẽ thu hút được học sinh nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhận thấy học sinh học tại trường ra làm việc, mà không phải đào tạo lại sẽ có lợi cho cả người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
VOH: Theo Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% hoc sinh tốt nghiệp THCS sẽ vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năm 2025, con số này sẽ là 40%, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những bước đi nào để hiện thực mục tiêu này?
Ông Nguyễn Văn Lâm- Phó GĐ Sở LĐTB&XH: Yêu cầu phát triển của TPHCM trong giai đoạn hiện tại và những năm về sau, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 và tầm nhìn về sau phải xây dựng và đào tạo được nguồn lao động có chất lượng cao, phải có tay nghề. Hiện nay các trường đã đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư thêm trang thiết bị dạy nghề đảm bảo giai đoạn từ nay trở về sau lao động được đào tạo tại TPHCM sẽ là nguồn lao động có chất lượng cao, giỏi nghề, có kiến thức chuyên môn, biết ngoại ngữ trong lĩnh vực đang làm.
Vấn đề kế tiếp là cần phải tăng cường lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, đẩy mạnh sự phối hợp chung tay trong xã hội để làm công tác phân luồng. Trên cơ sở đó, xây dựng những cơ chế kế hoạch liên quan nhiều ngành nhiều cấp để tuyên truyền hiệu quả trong xã hội. Các phương tiện truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng cần có thời lượng nhất định trong công tác tuyên truyền. Cuối cùng là công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì, đầu ra của giáo dục là đầu vào của giáo dục nghề nghiệp. Nếu ngành giáo dục chuẩn bị đầu ra thật tốt thì đầu vào của giáo dục nghề nghiệp sẽ chắc chắn. Phối hợp tốt việc này, nguồn nhân lực đào tạo sau này chắc chắn sẽ đạt chuẩn của khu vực và quốc tế.
VOH: Cám ơn ông!