Con số này sẽ tăng dần theo định hướng đến 2020, sẽ có 40% học sinh không vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, con số học sinh trung học cơ sở vào học nghề tại các trường trung cấp khá thấp.
Trong khi đó, hàng năm hàng trăm ngàn sinh viên đại học ra trường không tìm được việc làm. Không ít người phải cất bằng cử nhân, kỹ sư quay trở lại học nghề để có được công việc, dẫn đến sự lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của xã hội.
Xung quanh vấn đề này, Đài TNND TPHCM tổ chức toạ đàm "Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở" do Phóng viên Tuyết Nhung thực hiện với sự tham gia của các khách mời:
- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức;
- Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10.
---
Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở
Phần 1: Khó khăn tuyển sinh trường nghề
* VOH: Trong Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% hoc sinh tốt nghiệp THCS sẽ vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năm 2025, con số này sẽ là 40%.
Tuy nhiên, nhiều năm qua tỷ lệ này ở nhiều địa phương trong đó có TPHCM vẫn chưa đạt được. Kết quả phân luồng học sinh sau THCS những năm qua như thế nào?
- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Để thực hiện lộ trình của Chính phủ đến năm 2020, học sinh được phân luồng sau khi học THCS đạt tỷ lệ từ 30-40%, công tác tuyển sinh vào lớp 10 ở TPHCM luôn được điều chỉnh ở tỷ lệ phù hợp.
Tuy nhiên trên thực tế, kết quả học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp các năm qua cao nhất cũng chưa vượt quá 12%, cho thấy công tác phân luồng học sinh có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
* VOH: Hiện nay, học sinh THCS được miễn học phí trong suốt quá trình đào tạo, nhưng tại sao chương trình giáo dục nghề nghiệp vẫn không thu hút được các em. Những khó khăn trong phân luồng học sinh là gì?
- Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10: Thứ nhất, tư tưởng của phụ huynh khi muốn cho con mình mới hết lớp 9 vào học nghề còn rất băn khoăn, bởi vì thấy các cháu còn quá nhỏ mà sao đi học nghề.
Thứ hai, các trường nghề chính quy hiện đại thường ở xa, việc đi lại trở ngại.
Tư tưởng của phụ huynh lúc nào cũng muốn con mình học xong cấp 3 rồi vào cao đẳng, đại học, nếu rớt mới tính đến chuyện học nghề.
* VOH: có ý kiến cho rằng một số trường nghề không thực sự đón nhận học sinh tốt nghiệp THCS. Đâu là nguyên nhân không thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề?
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức: Trong các năm qua không ít trường hợp học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào trung cấp nhưng các em vẫn quan niệm là một bước dừng tạm và cũng tìm mọi cách để học chương trình phổ thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu suất đào tạo đối với đối tượng này không cao.
Việc mất cân đối trong quy mô đào tạo của hệ thống giáo dục, việc ồ ạt tuyển sinh của các trường đại học, sau đại học đã dẫn đến tình trạng dư dôi nguồn cung ứng lao động với nhóm trình độ cao. Từ đó, người có bằng đại học sẵn sàng ứng tuyển cho các vị trí việc làm chỉ cần trung cấp hoặc cao đẳng, dẫn đến người tốt nghiệp trung cấp khó cạnh tranh việc làm sau khi tốt nghiệp.
Số liệu của tổng cục thống kê quý 2/2017 lực lượng lao động trung cấp chỉ chiếm khoảng 33% số lao động trong độ tuổi. Các quốc gia cạnh chúng ta như Singapore, Úc, người tham gia trực tiếp quá trình sản xuất vẫn là lực lượng số đông chiếm 50-70%, tốt nghiệp từ các trường trung cấp cao đẳng.
* VOH: Khoa học đã xác định có nhiều loại trí thông minh ở con người.Việc học nghề không hẳn là các em không thông minh, kém cỏi, mà còn xuất phát từ thiên hướng của bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội. Nhiều em học văn hoá không tốt nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại phát huy tốt khả năng của mình. Lứa tuổi 15 học sinh THCS có là giai đoạn để các em đủ chín chắn trong định hướng nghề nghiệp?
- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Luật lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp đều xác định rõ là học sinh học xong lớp 9, đủ 15 tuổi, là các em có quyền tham gia học nghề hoặc tham gia các hoạt động nghề nghiệp, với điều kiện những nghề đó không quá nhạy cảm, nặng nhọc hay độc hại.
Điều đó cho thấy việc nghiên cứu lứa tuổi 15 để tham gia học nghề là khoa học và phù hợp. Ở các nước châu Âu như Đức, còn phân luồng sớm hơn THCS.
Tôi có thời gian dạy 19 năm ở cấp THPT thấy nhiều em đến hết học kỳ 1 đã khá là hụt hẫng chọn lựa tiếp tục con đường học tập ở phổ thông, vì ở cấp học này phân hoá cao. Nhiều em năng lực hoặc năng khiếu không đáp ứng được. Tôi nghĩ rằng, nếu khuyến khích các em chọn học nghề sau THCS là những quyết định đúng đắn, giúp việc phát triển nghề nghiệp của các em được bắt đầu sớm.
* VOH: Nhiều năm công tác tại cấp THCS ông có những kinh nghiệm gì trong việc định hướng nghề nghiệp cho các em phù hợp với thế mạnh của học sinh?
- Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10: Kinh nghiệm là làm sao quan tâm đến từng học sinh. Chúng ta phải biết đứa bé này thích cái gì, có nhưng họạt động cho nó để trả lời được ngay từ nhỏ tôi là ai? thích cái gì? được cái gì? mình muốn trở thành như thế nào trong tương lai?
Sau đó, đội ngũ tư vấn và giáo viên chủ nhiệm phải được training về nhận biết các em hoạt động như thế nào. Từ đó, mới đưa các hoạt động rèn luyện kỹ năng cho các em. Chính việc rèn luyện kỹ năng ở bậc THCS, sẽ giúp cho các cháu định hướng nghề.
Mặt khác, nhà trường đưa các em và cả phụ huynh đến trường nghề để phụ huynh biết trường nghề hoạt động như thế nào mới an tâm cho con em theo học.
* VOH: TPHCM đang hướng đến thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Điều này có mâu thuẫn với các chỉ tiêu phân luồng sau THCS không?
- Thạc sĩ Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Do đặc thù TP muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chúng ta định hướng phổ cập giáo dục bậc trung học, trong đó, nâng tỷ lệ học hoàn thành tốt nghiệp THPT.
Điều này cũng không mâu thuẫn với mục tiêu phân luồng sau THCS vì theo công tác hướng nghiệp dạy nghề sau THCS cho thấy học sinh sau khi tốt nghiệp trường trung cấp các em có nghề.
Bên cạnh đó, các em cũng học được những mô đun, học phần về văn hoá để các em có trình độ tương đương với học sinh ở cấp THPT. Trong trường hợp các em hoàn thành được những học phần văn hoá theo yêu cầu, các em tốt nghiệp trung cấp cũng có được trình độ văn hoá tương đương. Do đó, về nhiệm vụ phổ cập giáo dục cũng công nhận các em như một học sinh cấp THPT.
* VOH: Hiện nay, học sinh THCS tốt nghiệp các trường trung cấp theo lý thuyết sẽ được xét tương đương với trình độ THPT, nhưng thực tế việc công nhận có gặp những khó khăn gì không?
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức: Hiện nay, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH, giáo dục phổ thông từ mầm non, tiểu học đến đại học lại thuộc Bộ GD&ĐT.
Tôi nghĩ rằng cả Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT cần có những phối hợp để giúp cho chúng tôi và các trường có những văn bản quy phạm pháp luật để chúng tôi làm tốt hơn việc tạo điều kiện cho các em học trung cấp là đối tượng THCS có thể liên thông cao đẳng đại học.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang có chiều hướng là sẽ lấy ý kiến với chương trình học cao đẳng 9+5, tốt nghiệp THCS học 5 năm để được cấp bằng cao đẳng. Tôi nghĩ, đây cũng là một định hướng. Nếu em nào học khối lượng văn hoá tốt thì các em có thể học tiếp lên. Còn nếu không thì các em lại rẽ sang học xong trung cấp là đi làm nghề.
Việc lựa chọn học nghề sau THCS có nhiều tiềm năng. Mặc dù còn một số khó khăn nhưng xu hướng phân luồng học sinh để nâng cao tay nghề là hướng phát triển cần thiết.
Phần 1 của Toạ đàm "Hướng đi nào cho phân luồng sau trung học cơ sở" đến đây xin tạm dừng. Trong phần 2 của Toạ đàm quý vị sẽ tiếp tục nghe các khách mời có những trao đổi đề xuất để công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp được hiệu quả hơn.