Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng có xuất xứ Việt để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như: Mức chiết khấu không cao; hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng có xuất xứ Việt khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm… Phóng viên VOH thực hiện tọa đàm bàn về Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại, với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Trần Tấn Ngời – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TPHCM – Thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP – Thành viên ban chỉ đạo; Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Và ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN).
Ảnh minh họa: tuyengiao
VOH: Thưa ông Nguyễn Ngọc Hòa, theo số liệu thống kê thì hàng Việt đang chiếm tỷ trọng từ 70-80% tại kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt lại không đồng tình với con số trên. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các kênh phân phối hiện đại hiện nay là trên 90%, tuy nhiên không đồng đều ở từng nhóm hàng. Với nhóm hàng đồ dùng gia đình đạt tỷ lệ 60%. Còn nhóm rau củ quả đạt 95%, hoặc thủy hải sản cũng đạt trên 90%, chỉ trừ một số loại cá nhập khẩu thôi. Hiện nay đại bộ phận các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa cả những hộ nông dân trồng trên những mảnh ruộng thì không thể nào đạt chuẩn để cung cấp cho hệ thống phân phối hiện đại. Việc đi vào sản xuất nông hộ như vậy rất khó triển khai làm VietGap, khó đảm bảo chứng từ theo yêu cầu của hệ thống phân phối hiện đại. Hiện nay tại TPHCM có những hợp tác xã làm VietGap nhưng chỉ cung cấp vào trong siêu thụ được 50% còn lại 50% bán ở chợ truyền thống và khi đó họ phải cạnh tranh với những mặt hàng không làm theo tiêu chuẩn VietGap và giá thành cũng khác nhau. Bây giờ đòi hỏi phải có sự kết nối một cách cụ thể hơn giữa hệ thống phân phối hiện đại và các nhà sản xuất đồng thời các nhà sản xuất cũng phải tổ chức lại cách làm của mình. Cách làm lần này là chọn từng mặt hàng cụ thể, làm đến đâu chắc đến đó.
VOH: Ông Phạm Ngọc Hưng đánh giá như thế nào về sự chật vật khi hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại, dễ hay khó?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Càng ngày hàng Việt Nam vào các kênh phân phối ngày càng nhiều hơn, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ thì khó. Cái khó thứ nhất là doanh nghiệp nhỏ không đủ số lượng để vào siêu thị. Thứ 2 là sự quản trị chất lượng của doanh nghiệp đó chưa ổn định khiến siêu thị không dám nhận hàng đó vào. Tải vì hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới uy tín của siêu thị. Thứ 3 là thủ tục kiểm tra chất lượng để có thể vào được các siêu thị thì thời gian kéo dài rất lâu. Thứ 2 là mức chiết khấu. Hiện nay Co-op Mart mức chiết khấu thấp nhất còn các siêu thị khác thậm chí 20 – 25%, và cao hơn. Thứ 3 là hiện nay một số công ty thanh toán rất chậm khiến doanh nghiệp không đủ vốn để vào. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm cách tháo gỡ làm thế nào mà hàng của chúng ta vào được các kênh phân phối của nước ngoài. Nói chung thống hệ thống phân phối hiện đại của chúng ta ít quá, nó chật quá. Do đó để vào đây là rất khó. Chính các hệ thống phân phối cũng chưa được hỗ trợ nhiều để mở rộng ra.
VOH: Thưa ông Trần Tấn Ngời, có thể nói mặt hàng xuất xứ Việt Nam hay thương hiệu Việt đều được đánh giá là phải có sự cạnh tranh công bằng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Tấn Ngời: Đã qua 10 rồi bây giờ chúng ta phải làm như thế nào để hàng Việt chinh phục người Việt, chứ không thể thụ động, không thể cứ người Việt Nam thì ưu tiên còn các doanh nghiệp cứ thụ động và chậm chạp mà đòi hỏi phải có sự chuyển động đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách để tăng cường hỗ trợ kể cả cải cách hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Còn người dân thì tiếp tục ủng hộ nhưng phải trên tinh thần hàng Việt như thế nào. Thời gian qua có sự khó khăn như là sản phẩm chưa đủ sức, chưa đủ lượng để cung cấp cho các nhà phân phối. Ngoài ra ra vấn đề liên kết sản phẩm giữa các hợp tác xã cũng là yêu cầu đòi hỏi người nông dân phải thực hiện. Giải pháp trong giai đoạn này là chất lượng là trên hết.
VOH: Thưa ông Phan Văn Dũng, chúng ta đang nói câu chuyện hàng Việt Nam vào các hệ thống bán lẻ hiện đại như thế nào và con số 70-80% hàng Việt ở trong đó thì mặt hàng của ông có thuộc 70-80% đó hay không và con đường để đi vào các hệ thống phân phối hiện đại của ông như thế nào?
Ông Phan Văn Dũng: Vissan là hàng tiêu dùng nhanh và chúng tôi đã xây dựng trên 130.000 điểm bán trên toàn quốc. Vì khi hàng của chúng tôi không được vào kênh hiện đại, ở ngoài cửa hàng truyền thống có, người tiêu dùng họ tìm đến họ mua và họ vào siêu thị họ hỏi sản phẩm này tại sao không có bán ở đây? Khi đó buộc đối tác họ phải mời doanh nghiệp tới đàm phán để đưa sản phẩm vào kênh của họ. Bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ tôi nghĩ trước mắt nên phát triển ở kênh truyền thống. Bản thân doanh nghiệp chúng ta phải tự thân vận động trước đã.
VOH: Các nhà bán lẻ nội địa lớn (VINCOM và Coop.Mart) cũng đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nhà phân phối ngoại. Để bán sản phẩm với giá cạnh tranh so với các siêu thị khác mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhà bán lẻ nội địa cũng phải yêu cầu doanh nghiệp có mức chiết khấu cao. Có phải nhà bán lẻ nội địa cũng không còn lựa chọn khi tiềm lực tài chính của các đối thủ ngoại lớn hơn nhiều lần không thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Tôi đồng ý với anh Dũng là không nhất thiết mình phải vào siêu thị. Hiện nay còn một kênh phân phố qua internet, rất phù hợp đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí cũng thấp. Ngoài ra cần có sự liên kết, thông qua các Hội ngành nghề. Một là để kết nối hàng của mình với các hệ thống phân phối. Thứ 2 là cùng nhau làm áp lực với hệ thống phân phối. Khi họ muốn bảo hộ hàng của họ thì họ nâng chiết khấu của hàng mình lên. Và quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng. Chất lượng tốt thì người ta mời anh vào thôi.
VOH: Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa thì, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp phân phối sản phẩm cần phải làm gì để hàng thuần Việt phát huy được vai trò của mình trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Trong thời gian tới các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu Việt Nam phải tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường. Lấy thị trường nội địa làm nền tảng để tiếp tục đi xa và vươn xa. Và trước hết chúng ta phải hiểu và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có đầu tư và sự khác biệt ở mẫu mã, kiểu dáng, hương vị, cách thức làm Maketing và ở cách triển khai hệ thống phân phối... Và khi ra sản phẩm chúng ta xác định sẽ phải cạnh tranh với ai. Thứ 2 ở thế yếu, chúng ta là người đi sau thì phải cố gắng không đi được vào thị trường lớn thì cố gắng đi vào thị trường ngắn. Việc phân phối thì đối với kênh hiện đại và kênh truyền thống, thậm chí hướng tới kênh của xu thế công nghệ số, đó là kênh online. Ngoài ra thì có dịch vụ đi kèm theo. Và nên nhớ sự cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa đâu mà kênh online sẽ là sự cạnh tranh xuyên biên giới.
VOH: Trước sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập, hàng có xuất xứ Việt đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối, nhất là trong kênh phân phối hiện đại. Ngoài yêu cầu về đảm bảo chất lượng thì cụ thể với doanh nghiệp mình thì sao? thưa ông Phan Văn Dũng?
Ông Phan Văn Dũng: Bây giờ làm maketing không phải chuyện dễ, rất khó khăn, bởi vì xu thế bây giờ tự các doanh nghiệp cũng nhận thức về vấn đề maketing. Tráo lưu đem maketing từ nước ngoài vào như vậy bản thân doanh nghiệp chúng ta không thay đổi, đổi mới mà làm theo cách cũ thì sẽ giậm chân tại chỗ. Như Vissan chúng tôi đã có một kênh phân phối ở kênh truyền thống và kênh hiện đại rất mạnh trên toàn quốc. Do đó, chúng ta phải xây dựng thương hiệu quốc gia từ chỗ củng cố tốt thị trường nội địa để vươn ra nước ngoài, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp hiện nay.
VOH: Xin cảm ơn các vị khách mời.