Các cơ quan hữu quan cũng khẳng định vai trò đi đầu trong triển khai cuộc vận động với hàng loạt các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động; đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, để người tiêu dùng ưu tiên chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng. Do đó, cùng với các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng.
Làm gì để người Việt luôn ưu tiên dùng hàng Việt? Ảnh minh họa.
Mời bạn đọc nghe nội dung kỳ 2 của tọa đàm: Làm gì để người Việt luôn ưu tiên dùng hàng Việt? với các vị khách mời: Ông Trần Tấn Ngời – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TPHCM – Thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP – Thành viên ban chỉ đạo; Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP và ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN).
VOH: Chúng ta có thể thấy hiện nay hàng Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn từ phía hàng nhập khẩu và những mặt hàng này không chỉ có chất lượng mà giá cả cạnh tranh mà còn được tiếp thị rất chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt là hàng hóa từ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vậy thì hàng Việt Nam phải làm như thế nào để đối mặt với những thách thức này? Và với câu hỏi này xin mời ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Sau 10 năm thì các doanh nghiệp hàng Việt đã có sự trưởng thành và nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên, chúng ta không nên so sánh mình với chính mình mà phải so sánh với các đối thủ của các nước khác để vươn lên trong cải tiến mẫu mã, bao bì, kiểu dáng và giá cả. Các nhà sản xuất nước ngoài họ cũng vào Việt Nam theo tiến trình hội nhập và họ cũng cạnh tranh được với chúng ta và thậm chí họ còn đẹp và tốt hơn cả chúng ta, kể cả giá cả. Trước đây họ bị hàng rào thuế quan nhưng bây giờ hội nhập thì hàng rào thuế quan giảm dần và tiến tới bằng 0 thì giá cả của họ trở nên rất cạnh tranh. Họ còn xâm nhập toàn cầu và có quy mô sản xuất rất lớn như vậy đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam chia thành 2 nhóm và 2 nhóm này cũng không đồng đều. Nhóm hàng công nghệ phẩm thì chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc nhưng nhóm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống thì sự đồng đều về chất lượng, quy cách về bao bì kiểu dáng thì chúng ta vẫn còn có khoảng cách. Vì vậy trong thời gian tới cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đòi hỏi chúng ta phải có truy suất nguồn gốc, có thương hiệu. Vấn đề thứ hai là chúng ta phảo có một hệ thống phân phối vì chính hệ thống phân phối sẽ tải hàng đến tay người tiêu dùng
VOH: Thưa ông Phạm Ngọc Hưng, theo ông liệu vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có phải là một thách thức lớn đối với hàng Việt trên con đường chinh phục trái tim của người Việt hay không?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Có 3 lý do chính mà việc này vẫn tồn tại. Thứ nhất là tâm lý còn ưa xài hàng rẻ của người tiêu dùng. Đôi khi người ta biết hàng giả nhưng người ta vẫn xài. Thứ 2 là các doanh nghiệp người ta chưa biết bảo vệ thương hiệu của mình. Thứ 3 là sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chống lại hàng gian, hàng giả, hàng nhái, rồi gian lận thương mại vẫn còn chưa hiệu quả. Tại vì lực lượng quản ;ý thị trường của chúng ta rất mỏng, thị trường TP rất lớn và nó xảy ra mỗi ngày trong khi các Hội bảo vệ người tiêu dùng hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Thứ 4 là các quy định về pháp lý để bảo vệ thì còn rất yếu. Phạt nặng lắm là 20 triệu thì không ăn thua gì với cơ sở sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó để chứng minh đó là hàng giả phải đưa ra trung tâm Sở hữu trí tuệ xác nhận đây là hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mới bắt đầu khởi kiện và xử phạt. Cái này cần thời gian rất dài và rất khó chưa kể là các phương tiện để xác định hàng này là giả hay không. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp cũng không dám mạnh tay đầu tư công nghệ vì vừa sản xuất ra một sản phẩm mới thì đã bị nhái.
VOH: Bên cạnh những thách thức mà như hai vị khách mời vừa chia sẻ thì có khó khăn nào từ phía doanh nghiệp không thưa ông Phan Văn Dũng?
Ông Phan Văn Dũng: Ở góc độ doanh nghiệp trong xu thế hội nhập chúng ta cũng không thể phủ nhận việc sính hàng ngoại nhưng doanh nghiệp cũng ý thức được là phải làm gì để người tiêu dùng tin tưởng vào chính sản phẩm của doanh nghiệp mình, vì vậy doanh nghiệp cũng phải tìm mọi cách nghiên cứu để đưa sản phẩm ra thị trường đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Nhưng với hàng giả thì bản thân doanh nghiệp cũng ý thức nhưng nội lực doanh nghiệp không thì chưa làm được điều này, cần sự đồng bộ của xã hội của người tiêu dùng, họ biết đó là hàng giả hàng kém chất lượng nhưng họ vẫn sính hàng giá rẻ. Bên cạnh đó là sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân Vissan khi đưa ra sản phẩm chúng tôi cũng đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu độc quyền..v.v. Nhưng ngoại trừ những đơn vị nhỏ nhỏ họ làm giả thì mình cũng không kiểm soát hết được. Đó cũng là những cái bất lợi trng một số doanh nghiệp hiện nay.
VOH: Quyết định 634 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối lên 80-100% tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xin hỏi ông Nguyễn Ngọc Hòa, hiện nay mục tiêu của Đề án này tại TPHCM đã đạt đến đâu?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Hiện nay tại TPHCM đạt kết quả khả quan. Đối với các hệ thống phân phối hiện đại, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích thì tỷ lệ hàng Việt đạt từ 90 – 95%. Với kênh phân phối hiện đại cũng là một kênh đi tiên phong trong việc kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái... Tuy nhiên, cái độ bao phủ nó chưa bao trùm được toàn bộ thị trường của TP chúng ta và chỉ chiếm 25 – 30% thị trường bán lẻ còn lại 70 – 75% vẫn phân phối qua kênh truyền thống với các chợ loại 1, 2, 3 và thậm chí là ở các chợ tự phát. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nâng chất và lấy hệ thống phân phối hiện đại làm hạt nhân nâng chất theo hướng đi vào chiều sâu và nâng tầm hàng Việt.
VOH: Vừa rồi thì các vị khách mời cũng đã liệt kê ra các thách thức mà chúng ta gặp phải vậy thì có cách nào để chúng ta giải quyết những thách thức, khó khăn này, làm sao vừa có thể bảo vệ được việc sản xuất hàng Việt vừa không vi phạm cam kết Quốc tế. Và thưa ông Trần Tấn Ngời để việc phối hợp cùng các bên liên quan thực hiện cuộc vận động mang đến những hiệu quả rõ rệt hơn. Vậy nhân đây ông chia sẻ cụ thể thêm là trong thời gian tới MTTQ sẽ có những đổi mới như thế nào để thúc đẩy cuộc vận động thêm hiệu quả hơn nữa?
Ông Trần Tấn Ngời: Qua khảo sát thì người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam cũng dao động ở mức 60%. Hay hàng Việt Nam ở các siêu thị so với trước đây cũng đạt mức 70 – 80% . Qua khảo sát mới đây thì các mặt hàng bày bán ở các siêu thị cũng đạt trên 90%, trong đó Co-op Mart đạt trên 95%, kể cả các nhà phân phối trong và ngoài nước họ đến Việt Nam thì họ cũng bày bán hàng Việt Nam cũng bày bán trên 90%. Ví dụ như Bách Hóa Xanh, Big C... Với các mặt hàng rau, củ quả thì SG Co-op hay Vinmart thì đều có vùng nguyên liệu ở Đà Lạt đẻm bảo chất lượng. Tuy giá cả có cao hơn nhưng người tiêu dùng họ chấp nhận. Vì vậy tr0ng thời gian tới để thực hiện cuộc vận động này thì thực phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn. Không thể khuyến khích ủng hộ hàng Việt một cách chung chung mà người tiêu dùng cũng rất thông minh. Vì vậy các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục phát huy cải tiến năng động động, sáng tạo. Bên cạnh đó thì chính quyền, các cơ quan nhà nước cũng phải tiếp tục thào gỡ những khó khăn đã, đang và sẽ gặp trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chánh.
Xin cảm ơn.