Quyết tâm ngăn chặn diễn tiến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi - Thời sự 11g00 17/05/2019

(VOH) - Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn diễn tiến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi khi bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng trị.

Trong tình hình khẩn trương và hết sức quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, ông Bạch Đức Lữu – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI khẳng định: Sự phối hợp giữa các tỉnh thành lân cận với TPHCM hiện rất nhịp nhàng, chặt chẽ. Điều này thể hiện rõ Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn diễn tiến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi khi bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng trị. Phóng viên VOH phỏng vấn ông Bạch Đức Lữu. 

Ảnh minh họa: nongnghiep

VOH: Với vai trò cơ quan chức năng, xin ông khái quát về diễn biến tình hình dịch tả heo châu Phi?

Ông Bạch Đức Lữu: Như chúng ta đã biết dịch tả heo Châu Phi đã bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc và đến đầu tháng 8/2018, ngay khi ở Trung Quốc xuất hiện dịch tả này thì Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cũng đã ban hành rất nhiều các giải pháp và cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, ngăn chặn làm sao không để dịch này xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến đầu tháng 02/2019 thì dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, cụ thể là Hưng Yên và Thái Bình. Và khi xuất hiện dịch tả này thì chúng ta cũng đã tổ chức nhiều giải pháp đồng bộ để làm sao ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi không đi vào các tỉnh khu vực phía Nam. Nếu có thì cũng giảm thiểu tối đa nhất việc gây thiệt hại của dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, đến ngày 24/4 chính thức chúng ta phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi đầu tiên xảy ra ở xã Đồi 61 huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, kế đến dịch cũng xảy ra tại xã Bình Minh huyện Trảng Bom, xã Phước Thiền và xã Hiệp Phước huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Và đến ngày 9, ngày 10/5 thì dịch cũng đã xuất hiện tỉnh Bình Phước.

VOH: Ngay khi xuất hiện dịch ở khu vực phía Bắc thì Chi cục Thú y vùng VI đã có những hành động, phản ứng cụ thể nào để ứng phó với khả năng nguy cơ dịch lây lan xuống khu vực phía Nam. Và khi ổ dịch xuất hiện ở khu vực phía Nam thì Chi cục Thú y vùng VI đã có biện pháp gì để phòng, chống dịch?

Ông Bạch Đức Lữu: Trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi ở phía Nam thì với chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Thú y Vùng 6 thì chúng tôi có thành lập rất nhiều đoàn đi xuống kiểm ra đôn đốc các tỉnh thuộc vùng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Ngay sau khi dịch tả heo Châu Phi đi vào phía Nam thì ngày 10/5 chúng tôi đã mời 11 tỉnh trong vùng từ Ninh Thuận đến Bến Tre về họp để bàn, thống nhất các giải pháp để phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Trong đó, có rất nhiều giải pháp để chúng tôi tập trung. Như chúng ta biết thì đặc điểm của con virus dịch tả heo Châu Phi này tồn tại rất lâu ở môi trường, hiện nay chúng ta chưa có thuốc để điều trị và vắc xin để phòng bệnh. Do vậy, chúng tôi tập trung vào giải pháp an toàn sinh học. Thì trong giải pháp an toàn sinh học, chúng tôi chỉ đạo: Thứ nhất là phải an toàn từ trang trại, chăn nuôi làm sao để mầm bệnh không xâm nhập vào trong khu vực chăn nuôi, trang trại chăn nuôi. Thứ hai, đó là phải tập trung vào giải pháp an toàn sinh học đối với khu vực và vùng chăn nuôi; Có nghĩa là đường làng ngõ xóm là phải tổ chức tiêu độc sát trùng một cách triệt để. Ví dụ như Đồng Nai hiện nay đang có hệ thống các xe đi đường làng ngõ xóm để tiêu độc sát trùng và rắc vôi bột xung quanh. Và đặc biệt, rất lưu ý, rút kinh nghiệm từ khu vực phía Bắc, là cần phải chuẩn bị các lực lượng tại chỗ rất là chuyên nghiệp, làm sao phải an toàn sinh học ngay khi xử lý ổ dịch, dứt điểm ổ dịch đó, và những cán bộ tham gia xử lý ổ dịch này là phải đảm bảo an toàn sinh học trước, trong và sau khi xử lý ổ dịch.

VOH: Hiện tại, vấn đề kiểm dịch, vận chuyển heo nhằm phòng tránh dịch tả heo Châu Phi thì như thế nào?

Ông Bạch Đức Lữu: Vấn đề kiểm dịch là phải làm sao tập trung cho việc kiểm dịch tại chỗ, làm sao phải xác định nguồn gốc của heo, heo đúng địa phương, heo sạch bệnh thì mới được kiểm dịch vận chuyển. Và đặc biệt, việc kiểm dịch vận chuyển làm sao phải chỉ đạo cho các tỉnh rà soát; Đã làm tốt rồi, thì làm tốt hơn, nếu như có vấn đề gì thì chấn chỉnh lại, làm sao heo được vận chuyển vào lò mổ là heo phải đi từ vùng không có dịch, heo thật sự an toàn, không mang heo có mầm bệnh tới các lò mổ để giết mổ. Đặc biệt, việc giết mổ lậu phải làm sao triển khai, dẹp triệt để giết mổ lậu. Bởi vì đường lây lan dịch tả heo Châu Phi chính là thức ăn dư thừa, và ở đây phải hiểu là thức ăn dư thừa của người dùng từ các nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp… Rà soát lại thì thấy hiện tượng có giết mổ lậu, có vận chuyển trái phép thì mới từ nơi này có đưa heo có mầm bệnh vào giết mổ. Và sau khi ăn dư thừa rồi thì người ta mới thu gom về để đưa vào sản xuất, chăn nuôi, cụ thể đó là ở Bình Phước, nguyên nhân là do sử dụng thức ăn dư thừa. Ở Đồng Nai xảy ra dịch tả heo Châu Phi cũng là do sử dụng thức ăn dư thừa, và những thức ăn dư thừa này vứt ra các bãi rác ngay cạnh ổ dịch.

VOH: Việc lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm bệnh dịch tả heo Châu Phi được tiến hành ra sao? Mất khoảng thời gian bao lâu để đưa ra kết quả chính xác nhanh nhất?

Ông Bạch Đức Lữu: Để chẩn đoán, phát hiện nhanh dịch tả heo Châu Phi, Cục Thú y hiện nay có 8 phòng thí nghiệm của 7 vùng và Trung tâm Triển lãm Thú y Trung ương. Tất cả đã sẵn sàng thành lập các đoàn, đội, để chúng ta lấy mẫu cũng như xét nghiệm mẫu. Đối với Chi cục Thú y Vùng 6 thì chúng tôi đã có một đội ngũ chuẩn bị sẵn lượng nguyên liệu để chúng tôi có thể xét nghiệm hàng chục ngàn mẫu. Thực tế, khi xâm nhập bệnh và đến khi biểu hiện lâm sàng thì do thời gian ủ bệnh của con heo, tuy nhiên, từ khi lấy mẫu về, trong vòng khoảng 5 tiếng đồng hồ thì chúng tôi có thể có kết quả một cách chính xác là đàn heo đó bị bệnh dịch tả heo Châu Phi hay không. Và trên cơ sở đó thì chúng tôi thông báo ngay cho Chi cục, trước tiên là qua điện thoại, sau đó là sẽ có văn bản chính thức. Và khi có văn bản chính thức rồi thì đội phản ứng nhanh của vùng 6 – hiện nay chúng tôi có 3 đội phản ứng nhanh, đó là cơ quan thường trực của vùng để phối hợp với các tỉnh xử lý dịch bệnh. Vừa rồi chúng tôi phối hợp với các tỉnh rất nhịp nhàng, chặt chẽ, xử lý dứt điểm các ổ dịch xảy ra ở Đồng Nai, Bình Phước.

VOH: Xin cám ơn ông!

Minh Phước

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo