Xu hướng phát triển bất động sản xanh: Lợi ích lâu bền - Thời sự 11g00 15/05/2019

(VOH) - Bất động sản xanh hay công trình xanh được dự báo sẽ trở thành xu thế chính trong thời gian tới khi không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh đang ngày càng được ưa chuộng.

Đầu tư cho các công trình xanh đem lại hiệu quả cả về chi phí lẫn lợi ích. Tuy nhiên, sự phát triển những dự án này tại Việt Nam thời gian qua còn khá chậm, chưa có nhiều đột phá. Bài viết của Phóng viên Lệ Loan:

Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ước đạt 35%, nhưng tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á đạt mức 2,6%/năm. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ ở mức 57%, gia tăng đáng kể so với 2018 là 36%, kéo theo thách thức về giải pháp kết nối về nhà ở, giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng và nước sạch, khan hiếm về vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, các công trình xanh là lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hoá đô thị ngày nay, thích ứng với việc biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải nhà kính, tình trạng nắng nóng, giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân tại khu vực.

Có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành hiện nay như: chứng chỉ Edge, Green Mark, Leed,…Tuy nhiên, thực tế có rất ít công trình được công nhận là "xanh" tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có hơn 100 dự án được chứng nhận xanh với gần 2 triệu rưỡi mét vuông sàn - một con số khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng hiện nay với 58 triệu mét vuông sàn từ các dự án nhà ở. Theo các doanh nghiệp, do chi phí ban đầu cho các bất động sản xanh này khá cao; các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường nên chủ đầu tư ngại tham gia. Thế nhưng, nhu cầu về phân khúc bất động sản xanh này luôn luôn cần. Ông Nguyễn Trọng Thức, chuyên viên cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết: “Những đơn vị đầu tư quốc tế cũng đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi nhìn thấy sự quan tâm rất lớn từ các chủ đầu tư nước ngoài muốn xây dựng các văn phòng, không gian làm việc linh hoạt ở VN nói chung và TPHCM nói riêng”.

Tại TPHCM, sự gia tăng số lượng các công nhân, kỹ sư nước ngoài đến làm việc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của bất động sản nhà ở, chung cư. Cùng với sự phát triển này, bất động sản xanh tiếp tục có tiềm năng phát triển nhờ sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam trong một vài năm trở lại đây khi nhu cầu thuê văn phòng từ các tập đoàn công nghệ lớn ngày càng tăng.  

Mới đây, tòa nhà 10 tầng M Building ở quận 7 vừa được trao chứng chỉ Edge, bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm – Giám đốc Công ty cổ phần 4M cho biết, khi xây dựng tòa nhà này, với mong muốn bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng. Ngay từ đầu, tòa nhà này được thiết kế toàn bộ bằng kính ở Việt Nam. Sau khi tham gia chứng chỉ Edge, đơn vị tư vấn cho rằng, để đạt chứng chỉ này, yêu cầu phải xây vách ở một số điểm trên tòa nhà để hạn chế năng lượng mặt trời giúp giảm nhiệt trong tòa nhà. Do đó, chủ đầu tư đã thay đổi toàn bộ các loại kính từ Ấn Độ nhập về để giảm mức hấp thụ năng lượng mặt trời, qua đó làm dịu bớt không gian bên trong tòa nhà. Lợi ích dự án xanh này đem lại, theo bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm là giúp tiết kiệm nước và điện từ 20-30%: “Về mặt nước, nếu bình thường, sử dụng toilet xả một hộc, thì lượng nước lúc nào cũng đảm bảo là 5 lít. Cho dù bất cứ trong trường hợp nào cũng đều tiêu hao 5 lít. Nhưng đối với toilet 2 hộc, khi đi vệ sinh, thì tùy từng trường hợp chọn hộc to hay hộc nhỏ, nội việc đó cũng đã tiết kiệm được một số nước đáng kể trong toilet. Ngay cả nước rửa tay cũng vậy, nước này chạy xuống, rồi chạy dồn vào trong hộc xịt cho toilet… thì sẽ tiết kiệm được phần đó. Đối với điện, sử dụng toàn bộ cảm ứng trong tòa nhà. Khi không có người nó sẽ tự động tắt, đến lúc mở cửa ra khi có dấu hiệu có người thì nó sẽ bật sáng… thì trong vòng 1 hay 2 phút gì đó, đèn sẽ tự động tắt”.

Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 20 năm qua, bình quân 7,5%/năm. Theo tính toán, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Khi xây dựng bằng tường gạch, không những giảm được bức xạ nhiệt mặt trời đưa vào trong công trình, nhà đầu tư còn tiết kiệm được chi phí đầu tư kính. Nhờ vậy, giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác: “Thiết kế xanh có thể tiết kiệm cho chủ đầu tư. Tôi lấy ví dụ một công trình chúng ta sử dụng theo hướng hiện đại có rất nhiều kính, thậm chí 90% kính ở Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng khi làm công trình xanh thì thiết kế ngay từ ban đầu chắc chắn chủ đầu tư sẽ được tư vấn là giảm lượng kính, giảm lượng cửa sổ trên tường xuống. Ví dụ bây giờ lượng kính đang là 90% thì chúng ta sẽ giảm xuống 30-40% mà chúng ta vẫn có cảnh quan tốt, thiết kế được công trình tốt, đẹp”.

Mặt khác, việc sử dụng gạch không nung trong công trình cũng sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm bớt các khí thải từ lò nung đang gây ô nhiễm môi trường, hướng đến việc quen dần với các sản phẩm thân thiện môi trường. Bất động sản xanh hay công trình xanh là một trong những mục tiêu TPHCM hướng tới nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân - một trong 7 chương trình đột phá của TP là “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Người dân sống trong môi trường này nhờ đó sẽ giảm nguy cơ bệnh tật, sức khỏe được cải thiện.

Mặt khác, dự án này giúp tăng từ 3 – 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm từ 30 – 50% tài nguyên nước điện, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm từ 10 – 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sức bền vững và tuổi thọ công trình.  Khi vận hành, các công trình này giảm thiểu tác động từ xã hội, tạo ra môi trường sống chất lượng, bền vững, thay đổi dần kiến trúc các công trình hiện hữu, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đô thị và phát triển kinh tế Thành phố./.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo