Phát triển đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ TP- cần chung sức đồng lòng (Bài 1)-Thời sự 5g30 18/9

(VOH) - 10 năm kết nạp được 10 đảng viên là văn nghệ sĩ. Một con số quá ít so với số lượng văn nghệ sĩ tại Thành phố hiện nay.

Sự kiện: Thời sự AM 610 Khz

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tổ chức Đảng, thông qua các chuyến du khảo về nguồn, các hoạt động hội thi, hội diễn, các lớp bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị dành cho đoàn viên, thanh niên; đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo hội viên các hội văn học nghệ thuật, cán bộ, đoàn viên, thanh niên các đoàn nghệ thuật.

Từ đó giúp cấp ủy các đơn vị phát hiện bồi dưỡng nhiều nhân tố tích cực, có tinh thần cách mạng, có phẩm chất chính trị, chuyên môn và tạo môi trường tốt để hướng dẫn giúp đỡ họ phấn đấu, rèn luyện trở thành quần chúng ưu tú, là nguồn cho công tác phát triển Đảng tại các đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn khi muốn kết nạp đảng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là thế hệ trẻ. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Ngọc Bích có loạt bài nhan đề: “Phát triển đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ Thành phố - cần chung sức đồng lòng”. 

Bài 1: Còn nhiều điểm vướng trong thực tế

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới, …”

Để làm được những điều ấy, hết sức cần có lực lượng sáng tác là những đảng viên văn nghệ sĩ hùng hậu. Họ là những người góp phần tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang tính thẩm mỹ cao, có giá trị nghệ thuật và mang tính định hướng. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi có nhiều luồng văn hóa du nhập vào nước ta thì hơn lúc nào hết, càng cần đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ là đảng viên, để không chỉ thể hiện bản lĩnh trong sáng tác biểu diễn nghệ thuật, mà còn phải mang tính giáo dục, định hướng cho công chúng.

Theo như chia sẻ của nghệ sĩ cải lương Minh Trường, hiện đang hoạt động tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, thì bản thân anh luôn tìm hiểu về qui định để được đứng vào hàng ngũ của đảng và luôn mong muốn được vinh dự trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm cống hiến nhiều hơn cho sứ mệnh phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà: “Em muốn hiểu cặn kẽ hơn, sâu sắc hơn về đường lối chính sách của Đảng về lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Từ đó chúng ta có thể áp dụng vào công việc thực tiễn tại cơ quan là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Từ đó có thể góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật cải lương truyền thống”. 

Không chỉ đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tìm hiểu, mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng mà thời gian qua, các hội, liên hiệp hội cũng như các cơ quan chức năng đã có nhiều quan tâm, bồi dưỡng cho lực lượng này. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM đã và đang thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, bằng việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu qua các chuyến tham quan về nguồn để tạo sự gắn kết, học hỏi. Qua đó, quần chúng ưu tú cũng thấy đó là hoạt động bổ ích và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Dẫu vậy, lại có một thực tế làm chúng ta phải suy nghĩ, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ được đứng vào hàng ngũ của đảng vẫn còn rất ít vì còn khá nhiều điểm vướng. Phần lớn văn nghệ sỹ, mà chủ yếu là các diễn viên, nhạc công ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội, xiếc, múa rối… đều được đào tạo bằng hình thức truyền nghề, rất ít người được đào tạo có bằng cấp theo đúng quy định để giới thiệu xem xét kết nạp Đảng. 

Ông Nguyễn Anh Kiệt - Giám đốc Nhà hát kịch TPHCM trăn trở: “Có chuyện này cũng rất buồn. Đó là các nghệ sĩ hoạt động tự do, các em nghệ sĩ trẻ thì nhận thức về Đảng hầu như không có. Người ta chỉ cố gắng không vi phạm pháp luật, không đụng chạm đến nghề nghiệp là được. Đối với nghệ sĩ trẻ tự do, quan trọng nhất là tổ chức đoàn, vì chỉ có đoàn mới có khả năng qui tụ được thôi". 

Ông Nguyễn Quang Trung - Chánh Văn phòng Hội sân khấu TPHCM cho biết: Hội sân khấu hiện nay có 1.300 người lao động, 567 hội viên, 114 đảng viên là hội viên, nhưng chi bộ Hội sân khấu chỉ có 12 đảng viên và đảng viên trẻ tuổi nhất là… 64 tuổi. Theo ông Trung, Hội đang ở giai đoạn già hóa đội ngũ văn nghệ sĩ đảng viên. 

Thế nhưng, vấn đề kết nạp đảng viên cho Hội có lúc còn phải…bó tay, vì qui định văn nghệ sĩ được đứng vào hàng ngũ của đảng phải là hội viên có hợp đồng lao động, còn văn nghệ sĩ tự do muốn đứng vào hàng ngũ của đảng vẫn là bài toán chưa có lời giải: “Vừa qua ở chi hội tác giả, chi hội trưởng yêu cầu chi bộ kết nạp đảng viên trẻ là những người sáng tác đề tài truyền thống cách mạng, có phẩm chất đạo đức tốt. Lúc đó chi bộ liên hệ với địa phương để giới thiệu nhưng địa phương không đồng ý vì soạn giả sân khấu là của Hội, thì chúng tôi cũng phải trả lời rằng Hội cũng không thể kết nạp được. Hiện nay, qui định của Đảng ủy Khối không cho phép đảng viên được sinh hoạt trong chi bộ của Hội, trừ trường hợp có hợp đồng lao động hay phải là ban chấp hành. Rõ ràng, điều đó đã làm hạn chế sức chiến đấu tổ chức đảng trong các Hội. Chúng tôi cũng rất buồn khi các tác giả trẻ có nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của đảng thì chúng tôi cũng không thể. Thêm nữa, văn nghệ sĩ cũng rất đặc thù, là những người tham gia biểu diễn, có giới hạn về thời gian và lưu diễn nước ngoài nhiều. Nên nhiều người dù có cảm tình với đảng, có mong muốn đứng vào hàng ngũ của đảng nhưng mối quan hệ làm việc thì cần thông cảm cho những người này”. 

Nêu thêm lí do mà Hội khó kết nạp đảng cho các văn nghệ sĩ là vì vướng trình độ văn hóa, bà Trương Tứ Muối - Phó Chủ tịch Thường trực hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM lo lắng: Chi bộ của chúng tôi có 4 đảng viên. Trong đó, một đảng viên đã 80 tuổi, đang xin miễn sinh hoạt đảng, 1 đảng viên hơn 70 tuổi bị bệnh, sức yếu. Vậy chỉ còn 2 đảng viên thì không đủ sỉ số thành lập chi bộ. Nhưng nếu sinh hoạt chi bộ ghép thì khó phát huy chuyên môn và vai trò trách nhiệm. Đối với Hội VHNT thiểu số, đa số anh chị có nhận thức chính trị tốt, chuyên môn cao, lại rơi vào trình độ văn hóa lớp 5 thôi". 

10 năm kết nạp được 10 đảng viên là văn nghệ sĩ. Một con số quá ít so với số lượng văn nghệ sĩ tại Thành phố hiện nay. Theo Đại tá, Nhiếp ảnh gia Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM, để việc sinh hoạt đảng của các hội viên được thuận lợi, thì cần có giải pháp thoáng hơn: “Văn nghệ sĩ khi họ về hưu, họ muốn chuyển về các hội ngành để được trực tiếp đóng góp. Tôi nói ví dụ theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng tôi chẳng hạn, khi họ về hưu họ chuyển sinh hoạt đảng về phường, thì họ cũng than phiền vì khi sinh hoạt tại phường họ cũng không đóng góp gì được nhiều. Do vậy, thực tế họ muốn họ có nơi nào đó sinh hoạt đảng để họ được sáng tạo, định hướng sáng tạo để họ tiếp tục cống hiến. Cho nên tôi nghĩ cần tạo điều kiện cho các trường hợp là các văn nghệ sĩ đang có đóng góp tích cực cho phong trào, cho văn nghệ. Thành phố nên tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy chuyên ngành để từ đó họ đóng góp nhiều hơn cho chuyên ngành”. 

Ngọc Bích

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo