Nông dân học tập Bác - san sẻ với người khác - Thời sự 11g00 16/9/2022

(VOH) - Cây chanh leo còn được gọi là chanh dây, lạc tiên, mắc mát… thuộc họ Lạc Tiên, dạng bán thân gỗ dễ trồng và chăm sóc. Hiện nay tại Việt Nam, chanh dây được trồng hầu hết ở khắp các tỉnh thành.

Chanh leo có nhiều tác dụng trong đời sống, không chỉ là loại quả dùng cho giải khát mà hiện còn được sử dụng chế biến trong ngành y dược hay thực phẩm.

Nguyễn Hữu Công

Tại xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nông dân Nguyễn Hữu Công đã lai tạo và trồng thành công giống chanh leo ngọt, đây là một trong những sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng. Tuy sản xuất ra giống chanh leo mới, được giá bán cao, nông dân Nguyễn Hữu Công vẫn sẵn sàng san sẻ cách trồng, chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân có nhu cầu. Nông dân Nguyễn Hữu Công đã có nhiều sáng tạo trong trồng trọt cũng như có giúp đỡ bà con xung quanh để cùng phát triển giống chanh leo ngọt này. Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hữu Công.

*VOH: Được biết, ông đã lai tạo ra thành công một cây chanh leo rất là ngọt, đạt chất lượng và năng suất về trái, như vậy thì ông có thể cho biết từ nguyên nhân nào mà ông lai tạo thành công giống chanh leo ngọt này?

Ông Nguyễn Hữu Công: Nói chung là nó cũng đơn giản thôi. Chú thì nói chung là nông dân nhưng rất thích khoa học, nhưng mà cách đây khoảng 13 năm là chú có bị mang chứng bệnh ung thư máu. Thì lúc đó chú mới tìm hiểu những cái loại cây nào mà nó có thể là ngăn ngừa được, nó tốt cho cái cái sức khỏe của mình thì chú đã phát hiện chanh này thì theo cái thông tin mà cái trên cái nguồn gốc là chanh của Colombia thì nó là giàu cái vitamin mà với cái giá thành của nhập về thì hai trái hết là 225.000 rồi. Chính vì đó, chú mới nảy sinh ra, chú cứ làm ra trái chanh này.  

*VOH: Như vậy thì với giống chanh leo mới này thì cách chăm sóc như thế nào? Nó có khó chăm sóc hơn so với các loại chanh bình thường của mình không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Công: nó rất là dễ, trong quá trình trồng tới bây giờ thì nó đã là vừa thử nghiệm, vừa thành công. Đến nay thì 4 năm rưỡi rồi thì suốt trong quá trình là chúng ta theo dõi đó, nó chỉ có mấy trường hợp thôi. Cái thứ nhất là trong giai đoạn nhỏ thì nó có cái bệnh rỉ sắt, là bệnh đốm lá. Sau này, tới trái mà chín, trái già mà gần chính, cái vườn của mình quá rậm rạp thì nó sẽ bị cái bệnh thán thư, còn chẳng hạn như sâu bệnh thì nó không có sâu mà nó chỉ có là con ong nó đục thôi. Nói chung là nó ổn định. Trung bình sau 6-7 tháng trồng thì một năm nó cho thu hoạch một dây khoảng 15-20 kg mà trung bình một dâính trái từ 300-400 trái/dây. Nhưng mà cái yếu điểm của mình là do lai qua cây nhãn lồng thì nó hơi nhẹ ký hơn cái chanh thường của mình, Chanh thường của mình nặng ký hơn.

*VOH: Được biết, ngoài việc siêng năng, cần cù và sáng tạo, lai tạo ra được giống cây mới thì ông cũng chịu khó học hỏi, áp dụng công nghệ trong việc trồng và chăm sóc cây chanh leo của mình. Như vậy hiện nay thì ông có áp dụng công nghệ gì để chăm sóc vườn chanh leo của mình?

Ông Nguyễn Hữu Công: Nói chung thì cũng học hỏi, tìm thông tin trên trên báo đài, trên mạng. Chú thấy cái hệ thống tưới tiêu tự động nó hay quá thì chú cũng tự mình chú tìm, rồi mua thiết bị về, chú tự ráp thì nó chỉ thấy đây rất hay, chẳng hạn như cái điện thoại mình tải mấy cái phần mềm thì chú điều khiển từ xa, thì cái tưới phun đó thì nó rất hay, nó giảm được chi phí rất nhiều.. Tại vì mình đi đâu mình tới cũng được. Với cái nguồn điện thì nó giá thành nó thấp.

*VOH: Qua trò chuyện thì thấy ngoài việc lai tạo thành công giống mới này, chú không chỉ giữ khư khư cho riêng mình mà ông vẫn mong muốn chia sẻ  giống chanh leo mới và phát triển cho mọi người, để mọi người cùng biết đến và cùng phát triển nó trong nước. Nếu gắn vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì đây là một việc làm và học tập được khuyến khích. Ông đã tham gia hội cựu chiến binh, vậy thì ông thấy mình học tập được đức tính này của Bác như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Công: Bác Hồ là cái gương sáng, Bác Hồ thì có rất nhiều cái hay, nói chung trong cái việc làm mà bất cứ cái cái công việc nào cũng vậy mà trước nhất thì như chú thấy đó, đầu tiên nhất là về cái cái đức cho mình và cho anh em và tất nhiên là mình phải giữ cái đoàn kết, giữa chú rồi anh, em xóm làng, trong gia đình, trong cái chuyện làm của mình, cái thứ hai nữa đó thì mình nghĩ được cho mình, rồi nghĩ cho cộng đồng thì mình sẽ là thành công. Ví dụ như vừa qua thì chú là tư tưởng luôn luôn lúc nào là cứ nghĩ cái thứ nhất là chẳng hạn như cái như thế này, anh em là trồng về cái cây hoa màu, chẳng hạn như là cây ớt, rồi trồng  thì nó bị sâu bệnh rồi nó bị nói chung là dịch hại tấn công rất là dữ. Chú có những cái ý tưởng là có thể là dùng những cái góc mà ở hoang dã có mình kết hợp để mình ghép vào, để cho cái cái việc mà sản xuất nó được tốt hơn cho anh em làm. Chẳng hạn như cái chanh này cũng vậy thì dự định của chú thấy đúng như người ta người ta giữ cái bản quyền, người ta giữ cái kỹ thuật, cái cách mà làm, còn chú thì không. Nói chung anh em nào có cái ý tưởng thì chú cũng nói như bây giờ mình cứ đưa ra, nếu anh em nào có cái nhiệt huyết, có quyết tâm thì cùng nhau làm.

*VOH: Là một người nông dân chính gốc nhưng lại yêu thích khoa học, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Từ đó ông đã phát triển được giống cây mới và đã làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Như vậy thì sau quá trình nghiên cứu, tìm tòi thành công thì ông có lời khuyên gì hay là nhắn nhủ đối với bà con nông dân khác, cũng như là lớp trẻ sau này để thực hiện tốt công việc của mình?

Ông Nguyễn Hữu Công: thì nói chung là có bất cứ công việc nào cũng vậy hết trơn thì mình làm trước mắt thì làm cho mình rồi, nhưng mà mình có thể nghĩ mình làm cho mình và làm cho cộng đồng thì cái công việc của mình á là nó sẽ. Chẳng hạn như mấy năm qua, trong những cái kỹ thuật làm thì cái gì mình làm thấy được thì mình phổ biến cho anh em. Về nhắn nhỉ thì có nhắn nhủ mấy điều như thế này. Nói chung trong cái tình hình mà cây trồng rồi cái thị trường rồi làm nông nghiệp thì vừa qua thì chú thấy nó có nhiều cái, rất là khó khăn. Thành thử ra trong cái gì làm đó, mình phải kết nối, rồi mình phải vô cái nhóm, cái hội để mình biết thông tin, mình có dịp đem sản phẩm mình giới thiệu với cộng đồng, thành thử khi mình đã thành công thì mình cùng nhau để mình chia sẻ thì như vậy nó mới được tốt hơn. 

*VOH: Cám ơn ông.

Phước Tiến

Bình luận

Đọc Báo