Những công trình thay đổi diện mạo giao thông Thành phố Hồ Chí Minh - Thời sự 11g00 28/4/20201

Thời gian qua, lĩnh vực giao thông được ghi nhận với sự kiện nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông đô thị, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại

Giao thông có vai trò hết sức quan trọng, mở đường phát triển. Thời gian qua, lĩnh vực giao thông được ghi nhận với sự kiện nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông đô thị, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ thay đổi diện mạo giao thông, những công trình này còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đầu tàu kinh tế cả nước. 

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành giao thông vận tải đạt những kết quả nổi bật, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 10 công trình, khởi công 23 dự án. Tính từ tháng 9/2020 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã liên tiếp tổ chức khánh thành nhiều công trình, đưa vào khai thác, phục vụ người dân, góp phần cải thiện tình hình giao thông. Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Nút giao thông An Sương, dự án trọng điểm nằm ở khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc, nơi giao nhau giữa 2 tuyến đường giao thông huyết mạch là trục đường Quốc lộ 1 và đường xuyên Á – Quốc lộ 22. Trong quá trình thi công, công trình này thường xuyên lỡ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng. Nỗ lực của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cùng các đơn vị liên quan đã cùng tháo gỡ các điểm vướng, đưa công trình quan trọng này vào khai thác phục vụ người dân. Người dân sống ở khu vực bày tỏ sự vui mừng khi công trình hoàn thành: “Phấn khởi lắm. Tôi ở khu vực này thấy nhà nước làm nút giao này rất đúng chủ trương. Từng làn xe chia nhau, xe cộ thông thoáng. Nhìn phấn khởi lắm

Việc đưa vào khai thác nút giao này góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thông suốt giao thông trên tuyến đường huyết mạch vào thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Công trình này được khánh thành có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, tổ chức lưu thông hàng hóa, và đặc biệt giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, điểm đen giao thông trong nhiều năm.

Cũng ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc Thành phố, ngay sau khi khánh thành nút giao An Sương không lâu, công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký - huyện Hóc Môn cũng chính thức hoàn thành sau 3 năm thi công, trong sự phấn khởi của người dân và chính quyền địa phương. Trước đây, tuyến đường rất hẹp, xuống cấp và thường xuyên ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước không đảm bảo nên mỗi khi mưa là đường ngập, kẹt xe, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như việc đi lại của người dân.

Chị Phan Thị Phương Thảo, nhà ngay trên tuyến đường Tô Ký và là một trong những hộ dân bàn giao mặt bằng sớm nhất để thi công công trình vui vẻ cho biết: “Hộ dân chấp hành tốt việc mở đường. Gia đình em ủng hộ chủ trương này, hàng xóm cũng ủng hộ. Em thấy đường giờ rộng rãi thông thoáng, không ngập nước, không kẹt xe, giúp khu vực phát triển

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TPHCM cho biết, dự án nâng cấp mở rộng đường Tô Ký, đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu, góp phần nâng cao năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực, bên cạnh đó góp phần chỉnh trang đô thị, triển khai ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật: “Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố, nhằm cải thiện tình hình giao thông, giúp giải quyết tình trạng ngập nước khu vực đường Tô Ký và một phần đường Đặng Thúc Vịnh, triển khai ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phù hợp định hướng phát triển theo quy hoạch của thành phố

Một dự án có ý nghĩa quan trọng khác là xây dựng cầu thép An Phú Đông, bắc qua sông Vàm Thuật nối quận 12 và quận Gò Vấp, đã được thông xe ngay trong những ngày cuối năm 2020, thay thế cho bến phà hoạt động hơn 30 năm tại đây. Và ngay trong những ngày đầu năm 2021, công trình cầu Phước Lộc, nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã hoàn thành sau 8 năm thi công, đưa vào phục vụ người dân. Chia sẻ với những khó khăn của bà con nhiều năm qua phải lưu thông trên cầu cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh: Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố, có ý nghĩa rất quan trọng cả về giao thông đường bộ lẫn giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, công trình góp phần chỉnh trang đô thị, tạo tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Nhà Bè nói riêng và cả thành phố nói chung: “Chúng tôi kỳ vọng với việc thông xe cây cầu này, ngay cả cái tên cầu Phước Lộc cũng toát lên ý nghĩa rất nhân văn. Lãnh đạo thành phố rất mong đem lại những điều phước, điều lộc đối với bà con 2 xã. Và chúng ta có điều kiện để thông thương, phát triển kinh tế, văn hóa, và đặc biệt là y tế và giáo dục cho 2 xã này”.

Ngoài những công trình kể trên, hàng loạt dự án, công trình khác thời gian qua cũng được khánh thành, như: công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn, phường Thảo Điền, Quận 2; công trình nạo vét, cải tạo thông luồng Rạch Lá, Tắc Tây Đen; công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ tả Rạch Ông Lớn; công trình nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu; Gói thầu I dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2.  

Ngoài ra, trong dịp 30/4/2021, dự kiến sẽ có hai công trình giao thông được hoàn thành. Đó là dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Mỹ Thủy 3. Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khởi công 17 gói thầu, hoàn thành đưa vào sử dụng 45 dự án, giải ngân đạt trên 95% tổng vốn được giao trong năm, ước khoảng 3.300 tỷ đồng.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, chủ đầu tư cùng địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, cùng sự đồng thuận của người dân, những nỗ lực của nhà thầu thi công là những yếu tố giúp công trình về đích đúng tiến độ. Qua đó, nhiều kinh nghiệm quý trong triển khai thực hiện dự án, công trình cũng được đúc kết, nhất là trong việc tháo gỡ điểm nghẽn khó nhất – đó là công tác giải phóng mặt bằng. Ông Lương Minh Phúc cho biết: “Kinh nghiệm là ở đâu mà chủ đầu tư tích cực, lãnh đạo địa phương quan tâm, thì tốc độ giải phóng mặt bằng sẽ đẩy lên. Tất nhiên quá trình đó phải lắng nghe người dân để có sự đồng thuận cao nhất. Đó là ba yếu tố dẫn đến sự thành công trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Những dự án, công trình giao thông trọng điểm kịp thời về đích đã, đang và sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận tải của người dân, doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chỉnh trang đô thị, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch của thành phố. Đây cũng là nguồn động lực để Thành phố tiếp tục đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm, tạo sự đột phá mạnh mẽ về hạ tầng giao thông năm 2021, cũng như trong giai đoạn phát triển mới sắp tới.

Hoàng Lĩnh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo