Ngành du lịch Thành phố cần chung tay vượt qua khó khăn - Thời sự 17g00 20/02/2020

(VOH) - Theo đánh giá sơ bộ từ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì trong thời gian diễn ra tình hình dịch bệnh, ngành du lịch thành phố chịu những tác động

Chia sẻ và đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid 19 của ngành du lịch Thành phố, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết sẽ tổng hợp những kiến nghị, khó khăn được các doanh nghiệp du lịch gửi đến trong buổi làm việc sáng nay để báo cáo Chính phủ có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên điều quan trọng hơn lúc này là các doanh nghiệp phải cùng chung tay phòng chống dịch và phối hợp với nhau để vượt qua khó khăn.

Theo đánh giá sơ bộ từ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì trong thời gian diễn ra tình hình dịch bệnh, ngành du lịch thành phố chịu những tác động trực tiếp đến việc phát triển du lịch thành phố, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không tháng 02/2020 giảm 28,35% so với tháng 01/2020 và giảm 22,72% so với cùng kỳ. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại Thành phố thì mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và đến quý I năm 2020 dự báo sẽ rất lớn. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist kiến nghị: “Bộ VHTTDL sớm có giải pháp liên ngành để khi từng ngành đưa ra giải pháp phòng chống dịch thì cũng phải kể đến tác hại đến ngành du lịch”.

Bình quân doanh thu các doanh nghiệp du lịch giảm từ 40 – 60%, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Trung Quốc thì giảm mạnh từ 70 – 80% do một số doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6/2020. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác do lượng khách giảm nhanh nên doanh thu giảm mạnh và theo đó doanh nghiệp không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh. Trước những khó khăn ngành du lịch Thành phố đang đối mặt, ông Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch đề ra một số giải pháp trong thời gian tới: “Chúng tôi đã xây dựng ứng phó với Covid 19 cụ thể : Thứ nhất là truyền thông sau Covid 19 với khẩu hiệu Việt Nam là điểm đến an toàn. Chương trình kích cầu kết nối các đơn vị sản phẩm tăng thêm giá trị dịch vụ. Chương trình xúc tiến quảng bá”.

Bên cạnh đó, tình hình khách tham quan các địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố giảm khoảng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách tham quan chủ yếu là đi theo các chương trình du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo các chuyên gia dự báo sau khi dịch bệnh được khống chế, tình hình du lịch địa phương sẽ có khả năng hồi phục nhanh, trước hết là thị trường khách nội địa. Với góc độ cơ quan tham mưu cho Chính phủ về ngành du lịch nước nhà, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết sau buổi làm việc hôm nay sẽ có tổng hợp đầy đủ ý kiến để kiến nghị Chính phủ: “Tổng hợp báo cáo Chính phủ các nhóm vấn đề như về thuế, tín dụng, các chính sách thông thoáng thị trường, tăng cường xúc tiến quảng bá. Ở đây nhà nước phải hỗ trợ tăng cường kinh phí xúc tiến quảng bá”

Tổng Cục Du lịch cũng cho biết nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 3/2020 thì du lịch nội địa có thể hồi phục ngay khi vào mùa, mà cao điểm là từ cuối tháng 5. Thời điểm này, du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân đi du lịch, đồng thời xúc tiến đẩy mạnh đi du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm. Và quan trọng hơn là các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần phải bắt tay nhau cùng nhau tạo ra những sản phẩm mang đến nhiều giá trị cho khách hàng, cùng chia sẻ với những khó khăn của nhau để vượt qua khó khăn trong thời điểm này và kể cả khi hết dịch.

Ngọc Phong

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo