“Luật Giáo dục sửa đổi 2019 – Hướng đến giáo dục toàn diện” - Thời sự 05g30 25/06/2019

(VOH) - Luật Giáo dục sửa đổi 2019 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua là 1 trong 2 Dự án luật được đánh giá là quan trọng nhất trong số 7 luật được thông qua.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì luật lần này khá toàn diện quy định chặt chẽ hơn từ công tác đào tạo, nâng cao chất lượng, hướng đến môi trường sư phạm tập trung vào đào năng lực, kỹ năng cho các em học sinh. Thay vì chỉ phụ thuộc vào chương trình, kiến thức giáo khoa như trước đây. Tuy nhiên, sau khi Luật Giáo dục sửa đổi 2019 được thông qua thì cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người chưa hiểu hết được ý nghĩa của luật, nhất là việc quy định 1 chương trình có nhiều sách giáo khoa. Nội dung này cũng được cử tri các quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh đặt ra cho các Đại biểu Quốc hội trong các buổi tiếp xúc vừa qua.

Để làm rõ hơn 1 số quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi 2019, phóng viên Ngọc Phong phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

VOH: Trước hết ông cho biết những nội dung chính Luật Giáo dục (sửa đổi) tập trung vào những vấn đề nào?

Ông Phan Thanh Bình: Với Luật Giáo dục lần này có nhiều chương nhiều điều nhưng tập trung vào 4 vấn đề lớn. Thứ nhất: Đảm bảo quyền đi học của người công dân, bình đẳng tiếp cận việv học của các em học sinh. Đồng thời liên thông giữa 3 cấp học: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Thứ 2: Nghiêng về đạo tào phẩm chất, năng lực không quá chú trọng vào kiến thức. Thứ 3: Tạo ra các trường sự tự chủ cho các trường để tự do thoải mái việc học và điều hành. Thứ 4: Tạo được sự công bằng giữa giáo dục công lập và tư thục. Nhà nước phải lo giáo dục công lập, nhưng phải tạo hành lang pháp lý để cùng hoạt động hiệu quả.

VOH: Hiện nay nhiều người vẫn chưa ủng hộ Luật mới quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa? Cụ thể quy định này được hiểu như thế nào?

Ông Phan Thanh Bình: Vì sao 1 chương trình có nhiều sách giáo khoa. Cần phải hiểu như thế này bây giờ sẽ giáo dục học sinh theo hướng năng lực là chính, không phụ thuộc nhiều vào kiến thức. Ngày xưa thì trình là chương trình và là pháp lệnh.  Còn bây giờ chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là tài liệu để cụ thể hóa chương trình. Như vậy chương trình mới quan trọng, chương trình sẽ quy định cụ thể: Ví dụ cấp 1 các em phải học cái gì? Chương trình phải thống nhất trong cả nước, chương trình có nhiều sách giáo khoa để cụ thể hóa ra.

VOH: Như vậy liệu rằng chất lượng của các bộ sách giáo khoa thì có đảm bảo chất lượng hay không và được kiểm định như thế nào?

Ông Phan Thanh Bình: Từ chương trình đến sách giáo khoa đều phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua hội đồng thẩm định nghiêm túc theo quy định của luật thì mới thông qua. Như vậy trước đây sách giáo khoa chỉ do 1 nhóm người viết và tất cả phải học theo. Thậm chí cha mẹ có dạy các em cũng không dám học theo vì phải học theo cô. Còn bây giờ cái năng lực mới quan trọng.

VOH: Việc lựa chọn sách khoa cho từng tỉnh thành thì được quy định như thế nào và cái việc lựa chọn đó sử dụng nhiều năm hay chỉ 1 năm?

Ông Phan Thanh Bình: Với 1 chương trình có thể có 4,5 bộ sách giáo khoa, Luật quy định Ủy ban nhân dân địa phương đó chọn 1 bộ sách ổn định cho dịa phương mình. Theo đó thì cha mẹ cũng có thể dạy con mình, hoặc các em có thể tự lên mạng tìm tòi cách học miễn làm sao các em đáp ứng được chương trình mà thôi. Nếu như theo tinh thần đó thì đề thi sẽ không theo sách giáo khoa mà theo chương trình. Các em có biết làm toán không, làm văn không, chứ không có bài văn mẫu như trước đây. Cái lớn nhất là năng lực của các em.

VOH: Luật lần này cũng quy định giáo dục bắt buộc đối với bậc tiểu học. Vậy cụm từ bắt buộc này có khác gì so với phổ cập trước đây?

Ông Phan Thanh Bình: Trong Luật nhấn mạnh rõ hơn giữa giáo dục phổ thông và giáo dục bắt buộc. Theo đó giáo dục bắt buộc là với tiểu học. Tất cả các em điều được đi học tiểu học, nhà nước phải làm việc này. Trong trường hợp nhà nước không đảm bảo được mà các em đi học tiểu học tư thục thì nhà nước phải hỗ trợ học phí. Chúng ta làm rõ khái niệm bắt buộc chứ không phải miễn phí. Bắt buộc nghĩa là phải đảm bảo đủ chuẩn từ trường lớp, giáo viên…Còn phổ cập thì tùy theo điều kiện của từng địa phương để nâng cao trình độ dân trí cho địa phương mình.

VOH: Trong Luật Giáo dục sửa đổi quy định tiếp tục duy trì hệ thống trường THPT chuyên, trong khi trước đây nhiều chuyên gia đề nghị bỏ hình thức đào tạo này? Ông giải thích thêm vì sao luật quyết định giữ lại?

Ông Phan Thanh Bình: Luật lần này quy định trường chuyên không chỉ học cái chuyên mà phải tập trung vào năng lực nhưng phải đào tạo đầy đủ, toàn diện, không học lệch. Thời gian qua trường chuyên đã đào tạo ra nhiều học sinh giỏi. Luật có chỉnh đào tạo toàn diện trong đó có tập trung vào năng khiếu của các em học sinh.

Xin cám ơn ông!

Theo phân tích từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình thì Luật Giáo dục sửa đổi lần này có ưu điểm lớn nhất là đảm bảo bình đẳng quyền học tập cho tất cả mọi người. Trong đó đặc biệt có quy định giáo dục bắt buộc với bậc tiểu học và trách nhiệm đó thuộc về chính quyền địa phương bằng mọi cách phải đảm bảo cho các em trong độ tuổi được đến trường. Ngoài ra Luật lần này cũng hướng nền giáo dục đào tạo theo hướng mở phù hợp với xu hướng các nước tiên tiến trên thế giới, không quá phụ thuộc  vào kiến thức mà tập trung nhiều vào năng lực, kỹ năng và phẩm chất của học sinh, sinh viên. Với khá nhiều ưu điểm trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này chúng ta có quyền kỳ vọng trong thời gian tới nền giáo dục của nước nhà sẽ có nhiều thay đổi tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngọc Phong

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo