Việc giá xăng dầu giảm liên tiếp gần đây phần nào đã tạo ra làn gió mát cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá nhiên liệu chỉ chiếm từ 40% - 45% chi phí vận tải đường bộ, các chi phí khác vẫn rất cao, trong khi thị trường xăng, dầu chưa ổn định, chính sách giảm thuế của Nhà nước đối với mặt hàng này chỉ kéo dài đến hết năm 2022. Do đó, dù giá xăng, dầu đã giảm trong khoảng thời gian khá dài nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang gặp khó khăn, loay hoay tìm giải pháp bù lỗ. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Lệ Loan đã phỏng vấn ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM.
*VOH - Thưa ông, giá xăng giảm thì các doanh nghiệp vận tải có những lộ trình nào để bình ổn giá?
Ông Lê Trung Tính: Do mặt hàng giá cước vận tải là mặt hàng mà nhà nước không trực tiếp quản lý, do đó, khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm thì giá cước vận tải tăng hoặc giảm theo tương ứng tuy nhiên cần có một độ trễ nhất định. Độ trễ đó thường khoảng từ 10-20 ngày tùy theo loại hình vận tải cũng như loại tuyến.
Chẳng hạn như loại hình xe buýt mà TP.HCM có trợ giá, thì khi giá nhiên liệu giảm, đương nhiên nhà nước sẽ không trợ giá nhiều. Tức là tiền trợ giá sẽ giảm nhiều thì nhà nước sẽ không bỏ ra ngân sách nữa. Hay là một loại hình hợp đồng khác nữa là hợp đồng vận tải mà các hợp đồng chiến lược sẽ giảm ngay.
Thí dụ như ở gia đình ta chủ nhật này dự kiến có chuyến đi Vũng Tàu hay Đà Lạt vui chơi, thì giá hợp đồng tức khắc sẽ giảm ngay theo giá xăng dầu giảm. Còn nếu các hợp đồng dài hạn thì người ta dự liệu khoảng tăng giảm nhiên liệu theo thời hạn. Còn loại hình thứ ba là giá cước vận tải chịu sự quản lý gián tiếp của nhà nước, đó là kê khai và niêm yết như loại hình vận tải taxi hay tuyến cố định, thì chắc chắn là họ sẽ dựa vào tình hình cung cầu trên thị trường mà người ta quyết định điều chỉnh cái đó. Khi điều chỉnh thì người ta phải làm lại giá thành vận tải, và phải báo với cơ quan quản lý giá trên địa bàn TP.HCM đó là Sở Giao thông Vận Tải mà trước đây là Sở Tài Chính.
*VOH - Gần đây các nhà xe niêm yết giá đã chủ động giảm giá nhanh hơn so với bên ngoài, ông đánh giá thế nào?
Ông Lê Trung Tính: Thì tôi cho rằng đó là một việc làm tốt và coi như là chứng tỏ ý thức của các doanh nghiệp có trách nhiệm đối với cộng đồng cũng cao. Cho nên để người tiêu thụ không có tư tưởng là chúng ta không tăng giá hay ghìm đấy rồi không điều chỉnh theo cung cầu của thị trường. Thì đó, tôi cho rằng thái độ rất tốt của các doanh nghiệp hợp tác xã khi họ ý thức được điều đó.
*VOH - Đối những nhà xe không chịu giảm giá thì sẽ thế nào, thưa ông?
Ông Lê Trung Tính: Tuy là mặt hàng cước vận tải nhà nước không trực tiếp quản lý, nhưng hoàn toàn nhà nước họ vẫn có quyền thẩm tra giám sát cái chuyện đó. Thí dụ như bây giờ sau khoảng thời gian giảm giá nhiên liệu bốn năm đợt như hiện nay, tức là giảm tương đối sâu mà không có sự phản ánh nào của người dân hay người tiêu thụ, người tiêu dùng thì cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp hợp tác xã đó giải trình. Thí dụ như hôm trước có trường hợp công ty Grab họ tăng năm ngàn đồng với lý do nắng nóng, thì tuy là đó là cung cầu theo thị trường của doanh nghiệp nhưng mà với sự phản ánh của báo đài thì Cục quản lý tức tốc có văn bản yêu cầu phải giải trình.
Do đó, chúng tôi muốn là nhà nước không trực tiếp quản lý cái này và thậm chí là loại hình taxi hay tuyến cố định phải điều chỉnh cước bằng cách là phải kê khai niêm yết, bởi vì khi nghe nói kê khai niêm yết nó dễ nhưng thực chất là phải tính lại giá thành tính toán rồi phải đi tới cơ quan để gởi lại yêu cầu đó. Và cơ quan nhà nước họ sẽ hậu kiểm, họ sẽ xem xét việc đó nếu bất hợp lý thì phải giải trình, còn chúng tôi muốn kinh tế thị trường thì đi thẳng theo nền kinh tế thị trường tức là để cho cung cầu nó quyết định chuyện đó trên thị trường.
Bởi vì với cung cầu cụ thể đó thì yên tâm người tiêu dùng sẽ không bị bắt chẹt đâu, bởi vì khi cái cung nó ít thì họ mới làm giá được, còn khi cung nhiều mà cầu ít thì họ phải giảm giá thôi. Để cho doanh nghiệp chủ động thì chúng ta nên mạnh dạn theo kinh tế thị trường luôn. Tức là mặt hàng cước vận tải nhà nước không cần quản lý kê khai niêm yết gì cả như hiện nay nữa, mà cứ để cho thị trường nó quyết định. Thị trường theo lý thuyết kinh tế thì cung cầu nó quyết định cái đó, và nó có cái bàn tay vô hình nó quyết định điều đó, bởi vì anh không thể neo giá tức là không thể nâng cao hay giảm xuống thấp với cái điều kiện là cung cầu trên thị trường nó bình thường. Thí dụ tôi nói là 2/9 nhu cầu đi lại tăng cao mà người ta không tăng giá tức là giảm giá rồi đó. Đó cung cầu nó quyết định là vậy đó.
*VOH - Trong trường hợp giá nhiên liệu sẽ giảm thêm hoặc tăng thêm mà mất khoảng 10 ngày niêm yết giá mới điều chỉnh thì có vẻ hơi chậm? Theo ông trong trường hợp này cần phải thế nào, thưa ông?
Ông Lê Trung Tính: Mặc dù nhà nước không trực tiếp quản lý mặt hàng giá cước vận tải, nhưng họ có đủ công cụ xem xét điều chỉnh giá, thông qua diễn biến của thị trường. Cơ quan nhà nước người ta bao giờ cũng có công cụ để giải quyết vấn đề đó. Như vừa rồi Grab tăng giá do nắng nóng, cho nên họ tăng thêm 5.000 đồng, nghe có vẻ hợp lý bình thường. Vấn đề này để thị trường quyết định, nhà nước không cần can thiệp. Nhưng với phản ánh của báo đài, của dư luận, của người tiêu dùng, tức khắc, ông quản lý cạnh tranh yêu cầu liền, phải lý giải cho tôi tại sao phải tăng cái đó, khi phương hại đến người tiêu dùng là kiểm tra ngay, nên họ có hậu kiểm chứ không có tiền kiểm.
Xin cảm ơn ông.
Lệ Loan (thực hiện)