Dầu tăng, vàng giảm, chứng khoán tiêu cực - Thời sự 17g00 07/12/2019

(VOH) - Giá vàng thế giới đã bất ngờ tăng hơn 1% trong phiên 3/12 khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc do những lo ngại về các bất đồng mới giữa Mỹ và các đối tác chính của nước này.

Giá vàng thế giới giảm 0,3% trong tuần qua. Sau khi “khởi động” tuần mới mà hầu như không thay đổi trong phiên 2/12, giá vàng thế giới đã bất ngờ tăng hơn 1% trong phiên 3/12 khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc do những lo ngại về các bất đồng mới giữa Mỹ và các đối tác chính của nước này. Sang phiên 5/12, giá vàng đã phục hồi phần nào khi thị trường có nhu cầu mua vào kim loại quý này như một nơi “trú ẩn an toàn” khi còn quá nhiều điểm không rõ ràng xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Theo giới chuyên gia, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa ra tuyên bố chính thức, thị trường vẫn sẽ tỏ ra bối rối.

Sang tuần tới, sự chú ý của thị trường sẽ tập trung vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào các ngày 10 và 11/12. Nhiều khả năng ngân hàng trung ương của Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất ở khoảng 1,5 - 1,75%. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng đô la Mỹ mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Giá dầu tuần qua tăng mạnh sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh. Chốt phiên 6/12 ở mức cao nhất kể từ tháng Chín, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, được gọi là OPEC+, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1/2020 tăng 77 xu Mỹ, hay 1,3%, lên 59,2 đô la Mỹ/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2020 tăng 1 USD, hay 1,6%, lên 64,39 đô la Mỹ/thùng tại Sàn ICE Futures Europe.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn có sự nghi ngờ liệu mức cắt giảm trên có thực tế hay không khi Saudi Arabia đang sản xuất dưới hạn ngạch. Theo ông, lượng dầu cắt giảm sẽ được phân bổ cho tất cả các nước thành viên và gần 1/3 mức cắt giảm được cho là sẽ do các nước ngoài OPEC đảm nhận. Trong khi đó, thị trường chứng khoán biến động tiêu cực trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần giảm 0.74% đạt mức 963.56 điểm, đánh dấu một tuần giao dịch khá tiêu cực. Chỉ số sụt giảm về điểm số nhưng lại gia tăng về khối lượng giao dịch. Việc thanh khoản được cải thiện cho thấy mức độ sôi động của thị trường đang ở mức khá cao.

Đà giảm điểm của VNM và MSN là nhân tố chính tác động tiêu cực lên thị trường. Đặc biệt sự sụt giảm mạnh gần 11% của MSN đã khiến VN-Index lao dốc trong tuần qua.  Ông Lê Ngọc Nam – Phó phòng phân  tích chứng khoán Tân Việt nhận định: Xu hướng tăng trưởng ngắn hạn của thị trường hiện không nhận được sự ủng hộ của dòng tiền. Áp lực bán vẫn đang đè nặng lên thị trường. Dù vậy, các nhà đầu tư cũng đã tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của thị trường khi thanh khoản được cải thiện trong tuần qua. "Tôi thấy rằng trong thời gian tới, các dòng cổ phiếu lớn sẽ khó có sự biến động tích cực mà duy trì đi ngang. Một vài cổ phiếu trong ngành bất động sản đang có dao động tốt hơn so với thị trường. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể suy nghĩ lại nhóm cổ phiếu này trong tháng còn lại của năm và có thể trong các tháng đầu năm 2020”.

Lệ Loan

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo