Bài 2: Mỗi năm các tỉnh, TP chi hơn 300 tỷ đồng cho điều trị HIV - Thời sự 11g00 31/12/2018

(VOH) - Hiện nay, tại Việt Nam nguồn thuốc kháng virus ARV, thuốc ức chế sự phát triển của vi rút HIV viện trợ từ tổ chức quốc tế đang ngày càng cạn kiệt.

Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm Y tế là “phao cứu sinh” để giúp người nhiễm HIV/AIDS duy trì việc điều trị cũng như sử dụng thuốc kháng vi rút ARV được thuận lợi. Năm 2018 Ngân sách của các tỉnh, TP đã chi hơn 300 tỷ đồng cho công tác phòng chống HIV/AIDS, đây là tín hiệu vui để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Về vấn đề này, Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế:

VOH: Thưa ông, ông cho biết, diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam thời gian gần đây tăng hay giảm?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay, dịch HIV ở Việt Nam tiếp tục giảm ở 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, giảm số chuyển sang AIDS và giảm tử vong do AIDS. Tuy nhiên, dịch HIV có sự gia tăng trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Trên 12, 2%, đặc biệt là trong nhóm tuổi trẻ và có sự gia tăng trong nhóm tiêm chích ma túy, nhóm sử dụng ma túy tổng hợp có quan hệ tình dục không an toàn. Nếu năm 2007 mỗi năm chúng ta phát hiện ra khoảng 30.000 người nhiễm HIV và 10.000 người tử vong do AIDS thì đến nay mỗi năm có thêm 10.000 người nhiễm mới HIV và 2.000 đến 3.000 ca tử vong mỗi năm. Lây truyền qua đường tình dục gia tăng rất mạnh, chiếm 63% so với lây truyền qua đường máu chiếm 23%. Mà chúng ta biết lây truyền qua đường tình dục không an toàn dẫn đến dịch khó kiểm soát và tiềm ẩn không kiểm soát được. Về độ tuổi thì tập trung từ 16 đến 40 tuổi.

VOH:  Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, nhà nước sẽ thanh toán thuốc kháng virus ARV từ Quỹ bảo hiểm y tế, vậy ông cho biết tiến độ triển khai BHYT cho người nhiễm HIV?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Năm 2019 chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình này. Cung cấp thuốc kháng virus và triển khai ở 191 điểm điều trị. Với 48.000 bệnh nhân sẽ được hưởng qua BHYT. Số còn lại hiện nay vẫn đang còn nguồn viện trợ miễn phí từ nguồn Quốc tế và quốc gia. Về BHYT đối với nhóm được hưởng lợi từ dịch vụ này đó là người nhiễm và gia đình của họ phải có thẻ BHYT và phải sử dụng thẻ bảo hiểm để khám chữa bệnh. Khi khám thẻ BHYT phải tuân thủ các quy tắc, quy định hưởng BHYT và thanh toán BHYT. Còn 20% bệnh nhân phải đồng chi trả như các bệnh nhân khác thì hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, TP đang tìm nguồn để hỗ trợ để người nhiễm được cung cấp thuốc miễn phí, không phải đồng chi trả. Đối với cán bộ y tế và các cơ sở y tế hiện nay đã sẵn sàng chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự với các điều kiện là phải ký hợp đồng với cơ quan BHYT để đủ điều kiện thanh toán qua BHYT, việc này cũng đã sẵn sàng. Đồng thời chúng ta đã hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn về mua sắm, cung ứng thuốc, thanh toán thuốc qua BHYT thông qua hệ thống phần mềm để đảm bảo không trùng lặp giữa các nguồn thuốc cho người nhiễm.

VOH: Như ông vừa cho biết thì khi chuyển sang điều trị HIV thông qua thẻ BHYT thời gian đầu người nhiễm sẽ gặp những khó khăn gì?Đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế hiện nay vẫn còn. Vậy giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề trên là gì?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay chúng ta đang chuyển đổi các phòng khám ngoại trú nhận viện trợ quốc tế và thuốc từ viện trợ miễn phí chuyển vào sử dụng nguồn BHYT để thanh toán cho chăm sóc và điều trị cho người nhiễm thì đây cũng là một thay đổi và lúc đầu sẽ có những khó khăn, vướng mắc cho người nhiễm từ khâu tâm lý cho đến sự thay đổi về địa điểm về nhân sự mới..v.v...Còn sự thay đổi về hệ thống tổ chức ở các tỉnh, TP cũng phần nào ảnh hưởng về nhân sự và tổ chức thực hiện trong giai đoạn đầu thì sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần có sự vào cuộc và giải quyết hết sức kịp thời. Trong thời gian qua chúng tôi cũng đánh giá rất cao sự tham gia vào cuộc rất tích cự c của cơ quan BHXH Trung ương cũng như các tỉnh, TP đã cùng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để chuẩn bị tốt cho việc đưa khám chữa bệnh thông qua BHYT đảm bảo thuốc, xét nghiệm cho người nhiễm HIV. Ngoài ra, đối với việc giảm và tiến tới thanh toán kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị số 10, 26/12/2017 về tăng cường các hoạt động để chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế. Và chúng ta đang đẩy mạnh để thực hiện và đây cũng là nhiệm vụ của tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Chúng ta phải quán triệt cho cán bộ cũng như tập huấn xây dựng các công cụ để đánh giá cũng như xây dựng các quy tắc về ứng xử đối với người nhiễm để đảm bảo tính phục vụ cũng như sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở y tế.

VOH: Trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ làm gì để giữ vững tình hình kiểm soát HIV/AIDS, cũng như hướng tới các mục tiêu trong chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/ AIDS?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Để đảm bảo cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng tiến hành nhiều giải pháp và gần đây nhất là chỉ thị của Bộ trưởng Bộ y tế đối với các tỉnh, TP về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Trong đó mở rộng về việc xét nghiệm HIV cho người nhiễm. Đặc biệt là các khu vực vùng sâu vùng xa cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Thứ 2 là tăng độ bao phủ và nâng cao chất lượng của công tác điều trị bằng thuốc kháng vi rút để sống khỏe mạnh và làm giảm khả năng lây truyền cho người khác. Bên canh đó là các hoạt động can thiệp giảm tác hại, điều trị bằng thuốc Methadone, cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cũng phải được đẩy mạnh. Bê cạnh đó là công tác tuyên truyền để bà con hiểu. Về nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS thứ nhất là các tỉnh, TP phải xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương của mình. Chúng tôi cũng vui mừng vì hiện nay hầu hết các tỉnh, TP đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính và nguồn kinh phí của các tỉnh, TP chi cho hoạt động này ngày càng tăng. Như năm 2018, kinh phí của địa phương đã chi hơn 300 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, như vậy cũng rất đáng mừng vì nguồn này cao hơn nguồn đầu tư từ Trung ương.

VOH: Xin cám ơn ông!

Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo