Bài 1: Nhiều rào cản tiếp cận bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV - Thời sự 11g00 30/12/2018

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế giai đoạn 2016-2020, thuốc ARV được quỹ bảo hiểm y tế chi trả từ ngày 01/01/2019.

Trong năm đầu tiên, bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân tại 191 điểm điều trị ARV trên toàn quốc. Đây được xem là chính sách nhân văn cho người nhiễm HIV.

Thẻ BHYT, HIV

Thẻ BHYT sẽ giúp người bệnh HIV được chi trả chi phí điều trị liên tục. (Ảnh:  LĐTĐ)

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết: người có HIV tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng nào thì mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế sẽ theo nhóm đó. Người có HIV là thuộc đối tượng hộ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; người có HIV thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế… Người không may có HIV/AIDS, chi phí điều trị bệnh trở thành gánh nặng và là nỗi lo thường trực của bệnh nhân và gia đình. Khi tham gia bảo hiểm y tế, mức hưởng và quyền lợi hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế có HIV phụ thuộc vào đối tượng và quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế theo quy định: “Từ trước đến nay thì người có HIV được nhà nước tài trợ tiền chữa bệnh. Nhưng bây giờ chuyền qua bảo hiểm y tế thì sẽ rất tốt cho người nhiễm HIV giúp giảm chi phí trong việc khám chữa bệnh. Họ sẽ được quỹ bảo hiểm y tế đồng chi trả 80%. Đặc biệt là có tham gia bảo hiểm y tế sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều, bởi vì đối tượng này bệnh thường nặng và rất nhiều bệnh”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thì rất nhiều người nhiễm HIV sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi này. Chị Đỗ Thụy An My ở quận 4, TPHCM cho biết: “Bắt đầu sử dụng bảo hiểm y tế với những người không có giấy tờ tùy thân chắc chắn họ sẽ bỏ thuốc. Thuốc này không chỉ dùng một ngày một bữa mà dùng suốt đời. Hiện vẫn còn một số phường, quận bắt mua theo hộ gia đình. Và hiện nay giá bảo hiểm y tế cũng còn rất cao nên nhiều người rất khó khăn. Cũng có một số được giới thiệu đứng ra mua cá nhân. Tuy nhiên lại không có tiền mua bảo hiểm vì nhiều người rất khó khăn, cơm còn phải chạy ăn hàng ngày thì làm gì có tiền để mua bảo hiểm. Trong đó một số không có giấy tờ tùy thân thì cũng không thể mua bảo hiểm”.

Hiện nay, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Điều trị ARV đáp ứng được 89% số người nhiễm HIV được phát hiện. Trong khi đó số người có HIV mua thẻ bảo hiểm y tế vẫn còn gian nan. Chị Ngô Thanh Tâm – một người nhiễm HIV cho biết, dù đang được uống ARV miễn phí nhưng mỗi tháng cũng mất hơn 400 ngàn đồng cho các xét nghiệm liên quan vì không có bảo hiểm y tế. Lý do không có đủ tiền, không có đăng ký thường trú, thiếu giấy tờ hành chính: “Bản thân tôi là người đang sống chung với HIV, nếu không có thẻ BHYT thì chúng tôi phải tự mua thuốc. Hiện nay muốn mua bảo hiểm y tế phải mua theo hộ gia đình mà nhà tôi có 7 người để tiếp cận được bảo hiểm y tế rất khó. Bản thân tôi mong muốn bảo hiểm y tế bỏ bớt những thủ tục, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương như chúng tôi để làm sao có được thẻ bảo hiểm y tế để có thể tiếp cận với ARV”.

Về vấn đề này, Bác sỹ Cao Kim Thoa, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết: “Nếu rơi vào trường hợp phòng khám đó đã chuyển sang bảo hiểm y tế thì bắt buộc càng sớm càng tốt phải tham gia bảo hiểm y tế ngay. Hiện tại có thể có 2 phương án: Một là họ phải tự bỏ tiền ra để mua. Thứ hai là nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ giới thiệu họ đến những điểm còn được cấp miễn phí. Nhưng trước sau gì thì cũng thông qua bảo hiểm y tế hết cho nên sớm hay muộn gì thì người nhiễm cũng nên tiếp cận dần với bảo hiểm y tế cho mình”.

 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống đại dịch HIV/AIDS, nhưng HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nguy hiểm. Bên cạnh đó, các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ đã bị cắt giảm, nguồn ngân sách trong nước gặp nhiều khó khăn. Về giải pháp, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế khẳng định: Bộ Y tế đã lập kế hoạch nhu cầu thuốc từ các nguồn bảo đảm đủ thuốc cho tất cả bệnh nhân trên toàn quốc trong năm 2019. Trường hợp cơ sở điều trị không đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, Sở Y tế và cơ sở điều trị phải chuyển bệnh nhân sang cơ sở điều trị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người HIV/AIDS; chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn thuốc ARV cho người bệnh từ 1/1/2019: “Với nỗ lực của Trung ương, các bộ ngành, chính quyền các cấp đến toàn thể cộng đồng người dân và đặc biệt là với chính sách bảo hiểm y tế hết sức nhân văn và bao phủ sức khỏe toàn dân thì chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sớm cố gắng đạt được mục tiêu 90-90-90 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2020 – 2030. Hiện nay chúng ta đã thay một Nghị định mới thay vào nghị định bảo hiểm y tế trước đây và thực hiện từ ngày 01/1/2019 chi trả cho những người nhiễm HIV mà có thẻ bảo hiểm y tế”.

 Qua những thông tin từ phía người nhiễm HIV cho thấy chính những rào cản này là nguy cơ khiến Việt Nam khó hoàn thành được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế cho mạng lưới người nhiễm HIV, kéo theo hệ quả HIV lây lan ra cộng đồng. Và làm thế nào để triển khai việc thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV một cách hiệu quả.

Mời quý vị đón nghe bài 2 của Loạt bài Thanh toán ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế: Bước chuyển lớn cho bệnh nhân HIV/AIDS với nội dung phỏng vấn ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế trong chương trình thời sự 11g00 trưa mai (31/12/2018).

 Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo