Bài 2: Đi tìm tiếng nói chung giữa đại học và doanh nghiệp - Thời sự 5g30 25/11/2020

(VOH) - Nếu không có sự bắt tay, kết nối của doanh nghiệp, các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng khó có thể tiếp cận với thị trường.

Thực tế khó khăn này đòi hỏi các trường đại học phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khía cạnh, nhất là trong lĩnh vực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Thời gian qua, tăng cường hợp tác thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ; tạo sự gắn kết hợp tác lâu dài trong phát triển hoạt động khoa học công nghệ là giải pháp mà nhiều trường đại học hiện nay đang đẩy mạnh.

Làm thế nào để hoa cắt rời cành giữ được độ tươi lâu, một doanh nghiệp khoa học – công nghệ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ewater Engineering đã nghiên cứu, sản xuất vừa giới thiệu ra thị trường một sản phẩm: nước cắm hoa ion đồng Humik. Sản phẩm này giúp bảo quản tất cả loại hoa cắt cành giữ được độ tươi lâu hơn từ một – hai tuần. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây là sản phẩm được thương mại hóa từ đề tài nghiên cứu của sinh viên, nhờ sự tiếp sức của doanh nghiệp. Sinh viên Nguyễn Việt Cường, năm cuối Khoa Kỹ thuật thực phẩm và môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, nhóm tiếp tục nghiên cứu sản phẩm phù hợp với thị trường và phù hợp với nhiều loại hoa khác nhau: “Trong đợt đi thực tập thì em thực tập tại công ty Ewater của anh Hiếu. Em có tìm hiểu về ion đồng, anh Hiếu có đưa ra một số ý tưởng, với lại em thấy nước cắm hoa trên thị trường chỉ kéo dài độ tươi cho hoa từ 3 – 4 ngày. Em rất vui khi được doanh nghiệp hỗ trợ mình làm đề tài. Nếu sản phẩm mình được thương mại hóa, được đưa ra thị trường sử dụng, nó cũng coi như một phần thành công đề tài em đã làm”.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ewater Engineering, về phía nhà trường, sinh viên thường thích nghiên cứu những gì mình hiểu, mình biết trong khi doanh nghiệp thường làm những gì mà thị trường cần. Ngược lại, những lý thuyết hay nghiên cứu sâu chỉ có trong trường đại học mới nghiên cứu, doanh nghiệp dựa vào những kết quả nghiên cứu đó triển khai thành sản phẩm thương mại. Chia sẻ thêm về sản phẩm này, ông Lê Trung Hiếu cho biết, sự hỗ trợ từ trường đại học rất nhiều:“Giảng viên thì định hướng phần lý thuyết để nghiên cứu chỉnh sửa. Còn sinh viên là người thực hiện những ý tưởng của giảng viên, của doanh nghiệp đề ra. Trong quá trình thực hiện, họ có sự sáng tạo riêng. Kết quả sau khi đã chỉnh sửa đã tốt hơn 70% so với ban đầu. Hiện tại sản phẩm đã làm các thủ tục giấy tờ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, mã vạch, thương hiệu. Hiện sản phẩm đang triển khai thương mại tại Việt Nam. Đơn hàng đầu tiên đã xuất được sang Úc 1.000 lít thử nghiệm”.

Có thể nói, sản phẩm Nước cắm hoa Humik là một trong những minh chứng cho việc thương mại hóa thành công kết quả nghiên cứu khoa học từ trường đại học, đặc biệt là đề tài nghiên cứu của sinh viên. Thạc sĩ Huỳnh Hồng Mai, Phó Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, nhà trường kết hợp với doanh nghiệp ngay trong quá trình nghiên cứu là một trong nhiều giải pháp mà nhà trường đang thực hiện. Trường hiện có câu lạc bộ doanh nhân Nguyễn Tất Thành với hơn 1.000 thành viên. Các doanh nghiệp này đến với Trường vừa góp phần giảng dạy cho sinh viên tại dây chuyền thực tế của doanh nghiệp, đồng thời gắn bó với các kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, kể cả nhóm Startup: “Những đề tài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên được tiến hành thực tế tại các doanh nghiệp, có thể tranh thủ được dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp đó để tiến hành các nghiên cứu đó. Khi hoàn chỉnh nghiên cứu, các doanh nghiệp đó có thể là người góp phần để thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó ra thị trường”.

Góp phần thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu, không thể không nhắc đến vai trò của các vườn ươm, trung tâm ươm tạo hiện nay đang dần hình thành tại các trường đại học. Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thương mại hóa chủ yếu diễn ra với ba hình thức chính: thứ nhất là khai thác các bằng sáng chế, thứ hai là chuyển giao công nghệ, ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học, thứ ba là tạo lập các doanh nghiệp mới. Và, vai trò của vườn ươm là tổ chức, thực hiện những vấn đề trên. Vườn ươm là tổ chức để hỗ trợ, tạo lập các doanh nghiệp mới bằng cách cung cấp các dịch vụ như: không gian làm việc chung, cơ sở hạ tầng trang thiết bị, hỗ trợ về tư vấn, quản lý, tạo mạng lưới các nhà đầu tư, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, đăng ký sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế… “Hiện tại chúng tôi đang ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp đến chủ yếu từ cựu sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu, kể cả các đội nhóm khởi nghiệp trong cộng đồng. Đối với sinh viên, chúng tôi khuyến khích các em tham gia các cuộc thi khởi nghiệp chứ không thực sự phải khởi nghiệp, bởi vì các em cần phải học, làm giàu kiến thức bản thân để sau này có thể tự khởi nghiệp ở thời điểm phù hợp. Trung tâm chúng tôi hiện đang ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp như đã nói, với hình thức dựa trên nền tảng công nghệ, được sở hữu bởi các nghiên cứu của chính họ”.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức. Khu công nghệ phần mềm của đơn vị được xem là hạt nhân trong hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cho đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu: “Khu công nghệ phần mềm là đầu mối để các thầy cô, sinh viên trong hệ thống tới để ươm tạo các sản phẩm của mình, mặt khác chúng tôi tạo sự kết nối Khu này với Khu công nghệ cao của Thành phố để khi các sản phẩm này có khả năng thương mại hóa được có thể chuyển sang Khu Công nghệ cao để phát triển, mở rộng, ứng dụng sản phẩm”.

Thực tế xã hội luôn đặt ra những bài toán hóc búa, đòi hỏi các trường đại học với nhiệm vụ và sứ mạng của mình phải nhanh chóng nhận diện vấn đề, bắt tay nghiên cứu để giải quyết. Các viện, trường đại học cũng không thể đứng một mình trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Trong đó, mối liên kết đại học – doanh nghiệp – nhà quản lý là một sự hợp tác tất yếu, mang tính bền vững, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thùy Linh

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo